Ngày làm việc thứ bảy, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận nhiều dự án luật quan trọng

Ngày 28/10, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường thảo luận về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao...

Ngày 28/10, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường thảo luận về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng. Trước đó, ngày 27/10, buổi sáng, QH làm việc tại hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý ngoại thương, dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ.

Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật.

Cân nhắc các quy định để phù hợp với Hiến pháp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Quyền được bồi thường là quyền hiến định và không bị giới hạn ở một lĩnh vực, một hành vi hay một trường hợp cụ thể nào. Dự thảo Luật liệt kê các trường hợp cụ thể trong 3 lĩnh vực được bồi thường là chưa bảo đảm tính bao quát, đầy đủ. Hơn nữa, Điều 598 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Điều đó có nghĩa là, các trường hợp người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại mà không được liệt kê trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sẽ không áp dụng được các quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại không được pháp luật bảo vệ đầy đủ theo tinh thần Hiến pháp. Bên cạnh đó, một số luật hiện hành như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Tố cáo,... cũng có quy định dẫn chiếu trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tới luật này, nhưng đối chiếu với các trường hợp cụ thể quy định trong dự thảo Luật về Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính lại không có các nội dung tương ứng với quy định tại các luật nói trên.

Nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ

Liên quan đến quy định về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường trong dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện có hai luồng ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại như luật hiện hành. Dự thảo Luật được xây dựng theo loại ý kiến này. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định theo hướng thu gọn một bước giảm số lượng cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự. Cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án và Viện Kiểm sát thì giữ như luật hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, quy định của dự thảo Luật theo loại ý kiến thứ nhất sẽ gắn trách nhiệm giải quyết bồi thường với cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước cũng như trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, không phân biệt cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường nên không làm phát sinh các thủ tục giữa cơ quan gây thiệt hại và cơ quan giải quyết bồi thường và không làm xáo trộn mô hình cơ quan giải quyết bồi thường.

Thảo luận về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

* Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội): “Cần quan tâm đến trẻ em, người yếu thế và dân tộc thiểu số hơn nữa”

Đồng tình với chủ trương mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý, tuy nhiên, Nhà nước cần quan tâm đến trẻ em, người yếu thế và dân tộc thiểu số hơn nữa, đây là đối tượng rất cần đến sự trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, các chi nhánh và hình thức hỗ trợ pháp lý nên duy trì và mở rộng thêm, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa vì các chi nhánh này hoạt động rất hiệu quả. Nếu không duy trì hoạt động của chi nhánh có thể sẽ bỏ một số vị trí trọng yếu mà người dân cần được trợ giúp pháp lý.

* Đại biểu Nguyễn Văn Được (Đoàn ĐBQH Hà Nội): “Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý là chủ trương lớn”

Về vấn đề xã hội hóa (XHH) hoạt động trợ giúp pháp lý là chủ trương lớn của Đảng được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 49 của Đảng, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan nhà nước. Mức độ XHH còn hạn chế chưa phát huy hết khả năng của các tổ chức có khả năng. Cần tạo điều kiện thông thoáng hơn để nhiều tổ chức cá nhân được tham gia, nếu quy định như dự thảo hiện nay sẽ có nhiều tổ chức sẽ bị giải thể, ví dụ như Hội Cựu chiến binh chúng tôi đang tham gia hỗ trợ pháp lý cho cựu chiến binh, nếu chiểu theo dự thảo Luật và nếu được thông qua thì Hội Cựu chiến binh Việt Nam không hỗ trợ cho các cựu chiến binh được nữa.

Về người được trợ giúp pháp lý, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu (Điều 7), nên phân định đối tượng đối với người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn. Không nên gộp người có công với cách mạng và trẻ em vào một điểm, vì quy định như dự thảo dễ bị suy diễn là QH coi thường người có công với cách mạng.

Trần Lâm - Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ngay-lam-viec-thu-bay-ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xiv-thao-luan-nhieu-du-an-luat-quan-trong-n124227.html