Ngày hội STEM 2017: Tham vọng hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục STEM ở Việt Nam

Ngày hội STEM 2017 sẽ hứa hẹn nhiều hoạt động đa dạng hơn cả về nội dung và đối tượng tham gia, từ học sinh tiểu học cho đến THPT. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu trong việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục STEM ở Việt Nam.

Ngày 10/5, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo Ngày Hội STEM 2017 với sự góp mặt của nhiều nhà giáo dục, nhà vận động xã hội trong lĩnh vực giáo dục STEM ở Việt Nam. Ngày hội STEM năm nay được tổ chức bởi tạp chí Tia Sáng, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay Đại học Việt - Pháp, USTH), Học viện Sáng tạo S3 và Học viện STEM.

Đa dạng hơn, nhiều đối tượng học sinh hơn

Năm nay là lần đầu tiên có một trường đại học tham gia ban tổ chức ngày hội, không chỉ với tư cách là nhà cung cấp địa điểm mà còn đóng góp đáng kể về nội dung. Nhờ USTH, ngày hội STEM 2017 đã mở rộng cho cả đối tượng học sinh khối THPT và lần đầu tiên có hoạt động labtour. Trong đó, các học sinh được tham quan và thực hành một số thí nghiệm ứng dụng những công nghệ ở trình độ tiên tiến, hàng đầu thế giới dưới sự hướng dẫn của những nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong tất cả sáu phòng lab của trường thuộc Khoa Công nghệ Nano, Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Sinh học, Khoa Nước - Môi trường - Hải dương học, Khoa Vũ trụ và Hàng không, Khoa Năng lượng.

Các em học sinh sẽ được tương tác với Robot NAO (Pháp) trong ngày hội STEM 2017

Theo bật mí của Th.S. Nguyễn Ngọc Văn Thành, giám đốc Trung tâm Quản lý vòng đời sản phẩm (PLMCC) tại USTH, trung tâm là một trong địa điểm mở cửa cho học sinh tham quan trong ngày hội. Các em sẽ biết được rằng, nhờ công nghệ thông tin, một sản phẩm đi từ khâu thiết kế cho đến thương mại hóa có thể được rút ngắn lại và tiết kiệm chi phí như thế nào. Trước kia, chẳng hạn với một chiếc ô tô, người ta phải áp dụng thật những tình huống va đập, làm hỏng chiếc xe để tối ưu thiết kế thì bây giờ có thể sử dụng phần mềm ảo ra sao. Các em cũng được lắng nghe và chứng kiến câu chuyện về một sản phẩm thật của USTH, là chiếc xe tự hành trên Sao Hỏa do chính các anh chị sinh viên thiết kế và chế tạo đã đi từ bản vẽ, kiểm nghiệm trên phần mềm và hoàn thiện ra sao và dĩ nhiên, sau đó, các em sẽ được điều khiển chiếc xe thông qua smartphone.

Một điểm mới khác, đó là năm nay sẽ có sự góp mặt của nhiều trường THCS đã triển khai giáo dục STEM thành công bằng cách lồng ghép vào chương trình chính khóa hoặc tổ chức các câu lạc bộ ngoại khóa, bao gồm: THCS Trưng Vương, THCS Olympia, THCS Tạ Quang Bửu. Mỗi trường sẽ có một gian hàng không chỉ trưng bày các sản phẩm khoa học và công nghệ do chính các học sinh tự nghiên cứu, chế tạo mà chính các em sẽ trình diễn và hướng dẫn cho người tham quan thực hiện những thí nghiệm, hiện tượng khoa học thú vị.

Được tổ chức lần đầu từ năm 2015, đây là lần thứ ba Ngày hội STEM diễn ra tại Hà Nội. Các ngày hội STEM đã góp phần đưa từ khóa STEM trở nên phổ biến và thay đổi cách dạy và học trong các trường phổ thông. Anh Đỗ Hoàng Sơn, giám đốc công ty Sách Long Minh chia sẻ trong buổi họp báo rằng, trong năm 2016 và ba tháng đầu năm 2017, anh cùng với những người tâm huyết về giáo dục STEM đã huấn luyện cho gần 2.000 giáo viên tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Những sự kiện tương tự như Ngày hội STEM đã được tổ chức ở Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và sắp tới là Huế, trong đó nhiều sự kiện hoàn toàn dựa vào nguồn vốn xã hội hóa.

Đại diện một số đơn vị đóng góp nội dung của Ngày hội STEM 2017 (lần lượt từ người đứng thứ 3 từ trái sang): anh Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc DTT; anh Đỗ Hoàng Sơn, Tổng giám đốc công ty Sách Long Minh, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, người sáng lập Trung tâm Toán PoMath trong buổi họp báo

Cơ hội hoàn thiện hệ sinh thái STEM đang sơ khai

Tuy nhiên, giáo viên và học sinh mới là một phần của hệ sinh thái giáo dục STEM của Việt Nam mà hiện nay vẫn còn rất sơ khai. Anh Đặng Văn Sơn, Trưởng ban tổ chức Ngày hội STEM 2017, sáng lập Học viện Sáng tạo S3 trong buổi họp báo có đưa ra các thành phần cơ bản của hệ sinh thái này bao gồm nhà trường là trung tâm và các tổ chức hỗ trợ xung quanh bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty, tập đoàn công nghệ và các tổ chức khoa học - giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có nhiều công ty lớn sẵn lòng hỗ trợ về giáo dục STEM còn các viện nghiên cứu và trường đại học thì đa phần đều "đóng cửa" đối với công chúng. Đại sứ STEM (các nhà khoa học, nhà công nghệ sẵn sàng tới các trường phổ thông định kỳ để truyền thông về STEM) thì vẫn vắng bóng.

Sự xuất hiện của chương trình giáo dục tổng thể và mối quan tâm của chính phủ về Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tạo điều kiện để giáo dục STEM có thể phát triển bài bản và đi sâu vào chương trình giáo dục chính khóa. PGS.TS Chu Cẩm Thơ, người sáng lập Trung tâm Toán PoMath đồng thời là nghiên cứu viên tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết, thành viên của hội đồng quốc gia giáo dục và những người tham gia biên soạn chương trình tổng thể cũng đã xác nhận rằng giáo dục STEM phải là một trong những hướng giúp cho giáo dục Việt Nam có thể thay đổi và hướng tới tạo nên chân dung giáo dục định hướng năng lực.

Chị cho rằng, những gì mà các tổ chức dân sự về STEM đã làm được là rất nhiều nhưng mới chỉ là bắt đầu. Theo PGS Thơ, để có thể đưa giáo dục STEM vào chương trình tổng thể, cần phải làm nhiều nữa vì nó sẽ liên quan đến việc thiết kế chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và đo lường học sinh. Và điều này còn phải đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ và lâu dài của nhiều bên, đặc biệt là Bộ Giáo dục và các nhà nghiên cứu về giáo dục.

Giáo dục STEM không chỉ có vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực cho những ngành nghề mới sẽ nảy sinh trong tương lai cùng với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ. Đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ có ban hành chỉ thị 60 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Anh Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc công ty công nghệ DTT, người tham gia xây dựng chỉ thị của Thủ tướng chia sẻ rằng, giáo dục STEM là một trong những cách "tăng cường năng lực tiếp cận" này. Cách mạng 4.0, thực chất là sự kết hợp của số hóa, vật lý và sinh học, "thì nó không khác gì chúng ta nói về tích hợp của STEM cả", anh Trung cho biết.

Các hoạt động diễn ra trong ngày hội STEM 2017 - Future Planet/ Hành tinh tương lai

- Lớp học STEM khối Tiểu học và THCS: các em sẽ được làm thí nghiệm tạo ra điện từ thức ăn, lắp mô hình xe ô tô sử dụng năng lượng mặt trời, lắp mạch điện thông minh; lập trình cho robot; sử dụng Toán học để vẽ tranh, xếp gỗ (Tangram, Kapla, Tessellation).

- Trải nghiệm STEM cho khối Tiểu học và THCS: tương tác với robot và lập trình robot.

- Labtour dành cho khối THPT - STEM Show ngắn vài phút trong đó có trình diễn những thí nghiệm "ảo thuật" như dùng chuối đóng đinh.

- Khu trưng bày sản phẩm STEM của các trường THCS như Tạ Quang Bửu, Trưng Vương, Olympia và trình diễn các thí nghiệm vui: Vòi rồng, Đĩa nhựa bay, Bong bóng xà phòng khổng lồ, Pháo dây cháy trong cốc nước, xem trình diễn robot xếp rubic...

Theo Hảo Linh (Tia Sáng)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ngay-hoi-stem-2017-tham-vong-hoan-thien-he-sinh-thai-giao-duc-stem-o-viet-nam-c7a527478.html