Ngày đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 khu vực ngoại thành

Sau khi thực hiện ở các phường nội thành, từ ngày 10-11, 139 xã của sáu huyện trên địa bàn Hà Nội gồm: Hoài Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Ba Vì chính thức triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ ba lĩnh vực tư pháp. Dù còn không ít khó khăn, song các địa phương đã chuẩn bị xong mọi điều kiện để vận hành hệ thống, giúp các giao dịch hành chính thuận lợi, nhanh chóng nhất.

Sẵn sàng triển khai nhiệm vụ

Để việc triển khai đạt hiệu quả, ngay trong tháng 10, tất cả 139 xã của sáu huyện đã hoàn tất công tác chuẩn bị điều kiện về hạ tầng, bảo đảm kết nối liên thông hệ thống DVCTT mức độ ba lĩnh vực tư pháp cấp xã với hệ thống quản lý hộ khẩu của Công an thành phố Hà Nội và hệ thống đăng ký bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội. Công tác đào tạo và cấp tài khoản cho cán bộ, công chức tham gia sử dụng phần mềm theo từng giai đoạn. Từ ngày 1-11, 139 xã đã đưa vào vận hành chạy thử hệ thống với hạ tầng cơ sở cơ bản đáp ứng yêu cầu, hệ thống mạng WAN hoạt động ổn định và được thường xuyên giám sát bởi Trung tâm dữ liệu nhà nước. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã phối hợp Sở Tư pháp, Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường tổ chức tám lớp đào tạo tập trung cho cán bộ ba huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì và mười lớp đào tạo tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh. Tại đây, các cán bộ tham gia đào tạo về quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ ba đối với các thủ tục hành chính liên thông, đồng thời hoàn tất việc cài đặt máy tính trên địa bàn các huyện.

Tại huyện Ba Vì, đơn vị xa nhất của thành phố, công tác chuẩn bị tại 30 xã, thị trấn đã được tiến hành nhanh chóng, kỹ lưỡng. Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Mạnh Hưng cho biết, trong hai ngày 26 và 27-10, huyện đã phối hợp cùng Sở TT-TT, Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường tổ chức bốn lớp tập huấn cài đặt phần mềm và hướng dẫn sử dụng phần mềm dịch vụ công mức độ ba cấp xã lĩnh vực tư pháp. Trong đó, ở cấp huyện là trực tiếp các đồng chí lãnh đạo, cán bộ văn phòng, cán bộ Phòng Tư pháp, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tham gia. Ở cấp xã, bốn đối tượng tham gia tập huấn gồm: lãnh đạo UBND xã phụ trách bộ phận một cửa, cán bộ bộ phận “một cửa” phụ trách lĩnh vực tư pháp, cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch, cán bộ phụ trách lao động, thương binh, xã hội. Các máy tính đã hoàn thành cài đặt phần mềm, sẵn sàng kết nối. Dù trình độ công nghệ thông tin của cán bộ chưa đồng đều, đường truyền ở một số xã còn chậm nhưng huyện quyết tâm khắc phục khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đến làm thủ tục.

Huyện Gia Lâm đã chuẩn bị cơ bản đủ điều kiện cơ sở vật chất và con người để vận hành hệ thống. Ngoại trừ bộ phận "một cửa" tại sáu đơn vị đang trong quá trình nâng cấp, sửa chữa đến ngày 15-11 mới xong, còn lại đều đã được đầu tư đồng bộ hóa cơ sở vật chất đúng chuẩn, đủ máy tính, máy scan, máy tra cứu... phục vụ người dân. Cán bộ bộ phận "một cửa" từ huyện đến xã đã thành thạo quy trình giải quyết thủ tục hành chính, cho nên khi đưa vào vận hành DVCTT mức độ ba không gặp trở ngại lớn. Để hỗ trợ người dân, các xã bố trí các tình nguyện viên là cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, Bí thư Đoàn Thanh niên xã hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ khi người dân đến làm thủ tục, đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng, để hỗ trợ thông tin cho người dân về DVCTT mức độ ba.

Tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất

Tuy nhiên, qua ngày đầu tiên triển khai và trong quá trình vận hành thử tại một số xã đã phát sinh khó khăn cần được thành phố kịp thời tháo gỡ. Phần lớn các huyện đều thiếu máy tính hoặc máy tính không bảo đảm cấu hình để cài đặt ứng dụng ảo hóa. Theo thống kê sơ bộ, huyện Thanh Trì có năm máy cấu hình thấp không đạt chuẩn, Hoài Đức có hai máy, các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm cũng trong tình trạng tương tự. Bộ phận "một cửa" một số xã tại Sóc Sơn, Hoài Đức, Ba Vì thiếu máy tính, máy quét để hỗ trợ cho người dân khi đến làm thủ tục. Các địa phương đề xuất thành phố cho phép tự mua để kịp thời bổ sung. Liên quan đến việc tích hợp thông tin, hiện phần tích hợp, trao đổi thông tin khai sinh giữa hệ thống dịch vụ công trực tuyến của thành phố và phần mềm đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp chưa thống nhất khi sử dụng, cũng khiến cán bộ gặp khó khăn khi thực thi nhiệm vụ. Một số cán bộ còn chưa quen các thao tác xử lý trên phần mềm.

Theo Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Phan Lan Tú, tiếp sau thành công của việc triển khai DVCTT mức độ ba tại các phường, từ ngày 10-11, TP Hà Nội tiếp tục triển khai tại 139 xã của sáu huyện, các huyện còn lại sẽ triển khai trên toàn địa bàn vào tháng 12-2016. TP Hà Nội xác định, ứng dụng công nghệ thông tin là đòn bẩy phục vụ cải cách hành chính, việc triển khai DVCTT mức độ ba nhằm cụ thể hóa điều này, đồng thời bảo đảm việc thực hiện Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Thành phố sẽ tạo điều kiện để hệ thống DVCTT vận hành tốt nhất. Để việc triển khai đạt kết quả, thời gian tới thành phố đã đề nghị các đơn vị xây dựng lộ trình cụ thể trong triển khai, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân trong quá trình thực hiện.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/31233702-ngay-dau-trien-khai-dich-vu-cong-truc-tuyen-muc-do-3-khu-vuc-ngoai-thanh.html