Ngày 26.7, cầu truyền hình trực tiếp 'Dáng đứng Việt Nam'

Cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ sẽ được thực hiện tại bốn điểm cầu: Tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội), Khu di tích lịch sử quốc gia 27.7 (Thái Nguyên), Thành cổ Quảng Trị, Bến Dược - Củ Chi (TPHCM), trực tiếp vào 20h ngày 26.7 trên VTV1.

Những bà mẹ mong con trở về. Ảnh: BTC

Đây là chương trình trọng điểm quốc gia nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh, chỉ đạo chương trình, nhà báo Tạ Bích Loan lên ý tưởng kịch bản và sản xuất, Phạm Hoàng Nam làm đạo diễn và nghệ sĩ Trần Ly Ly biên đạo múa.

Ý tưởng xuyên suốt trong cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” được gói trong từ khóa “danh tính”. Theo nhà báo Tạ Bích Loan, chương trình chọn từ khóa này là bởi khi những người chiến sĩ hy sinh, có những người có tên trên bảng ghi danh, nhưng cũng có người vô danh, chẳng để lại gì về bản thân. Vậy chúng ta, những thế hệ đi sau, có thể làm gì để tìm lại, ghi nhớ lại những công lao, đóng góp của các thế hệ những anh hùng đó.

Chương trình có những câu chuyện lần đầu được kể về liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn hy sinh trong những trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày tại Thành cổ Quảng Trị; Chuyện 2 người mẹ đợi con 30 năm dù con đã hy sinh trong trận chiến CQ88: Mẹ Dương Thị Tạo - mẹ của liệt sĩ Phan Văn Thiềng - E83 công binh hải quân, quê ở Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), bao năm nay vẫn một mình ở trong căn nhà cũ bên bờ biển đợi con về. Hay mẹ Nguyễn Thị Tròn, năm nay 84 tuổi, cũng ngày đêm mang nỗi đớn đau không khác gì mẹ Tạo. Con mẹ là anh Hoàng Văn Túy cũng đã nằm lại ở biển Trường Sa vào ngày 14.3.1988. Thương con thân xác nằm dưới biển khơi giá lạnh, mẹ Tròn với chồng là cụ ông Hoàng Nhỏ (85 tuổi) đã lập cây dâu làm hài cốt cho anh Túy, đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ xã.

Ngoài ra, mối tình dang dở trong chiến tranh của liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm (quê Hải Dương, Đại đội 506B, tiểu đoàn 704 đặc công Quảng Ngãi, hy sinh ngày 17.10.1974 tại Mộ Đức, Quảng Ngãi, hiện vẫn chưa tìm thấy mộ) với cô y tá Đỗ Ngọc Cẩm (năm nay 70 tuổi, quê ở Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) hẳn sẽ khiến nhiều người xúc động về câu chuyện của họ. Tất cả những gì cô giữ lại được là bốn bức thư anh gửi cho cô trong quá trình đi chiến đấu. Cô đã ở vậy từ đó cho đến nay chỉ bằng sức mạnh từ vỏn vẹn bốn bức thư của người đã mất...

MAI CHÂU

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ngay-267-cau-truyen-hinh-truc-tiep-dang-dung-viet-nam-686704.bld