Ngao ngán xe buýt Hà Nội lại mất điểm

Tôi là người thường xuyên đi xe buýt từ nhiều năm nay, thấy chưa bao giờ ngành này ghi được nhiều điểm trong mắt khách.

Căn bệnh trầm kha của những người phục vụ trên xe buýt là chưa có thái độ tôn trọng khách, nói năng, giao tiếp với khách luôn miễn cưỡng, thiếu lịch sự. Đến các điểm dừng, lái xe luôn rất vội vàng. Nhiều khi không dừng hẳn bánh, khách chưa xuống hết đã kéo cửa, phóng đi khiến khách rất sợ.

Từng xảy ra những vụ tai nạn liên quan đến điều này. Trên xe, lái và phụ xe nhiều lúc nói chuyện rất to, lời lẽ có lúc kém văn hóa mặc dù họ luôn nhắc khách phải giữ trật tự. Chỉ có một số nhân viên bán vé biết can thiệp để người trẻ nhường người già và các đối tượng cần được nhường ghế. Nhiều phụ xe khác phớt lờ những cụ già phải đứng đoạn đường xa.

Xe buýt Hà Nội. Ảnh: Internet.

Rất đáng phàn nàn là ngành xe buýt đã vô cảm, không có rèm che cửa kính, cứ để nắng xuyên qua khiến khách bị tra tấn vào những ngày nắng nóng tới 38-39 độ như mùa hè năm ngoái. Tôi từng chứng kiến một vài cụ già và trẻ nhỏ bị ngất xỉu vì không thể chịu được nắng dữ.

Các bến đỗ có nhiều điểm bất hợp lý. Nơi thì chỉ chừng chưa tới 100m có 2 điểm dừng. Nơi thì cả cây số vẫn chưa có. Hai điểm dừng, đỗ ở 2 chiều lệch nhau xa gây khó cho khách muốn quay trở về. Rất nhiều điểm không mái che, không ghế ngồi làm khổ khách chờ xe. Có điểm đã từng có mái che và ghế nhưng bị bỏ đi (như trước cổng bệnh viện Thanh Nhàn). Còn rất nhiều điểm dở khác hoàn toàn có thể khắc phục nhưng ngành xe buýt Hà Nội (XBHN) đã không để tâm mà tôi không thể kể hết.

Việc rất đáng tiếc xảy ra gần đây là từ ngày 1/1/2017, một số tuyến XB thay đổi lộ trình (9,16,18,19,22,33, 50). Trước đó một thời gian là xe 35 được tách thành 35A và 35B, cũng đi theo lộ trình khác. Tất nhiên phải có lý do. Nhưng khách đi xe đã không được biết, nhất là lộ trình mới. Rất nhiều người đã bị lỡ việc quan trọng bởi sự vô trách nhiệm này của ngành XBHN.

Có thể đã thông báo trên Đài Truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới và trên trang thông tin điện tử của ngành nhưng không phải ai cũng thường xuyên xem, đọc nếu không nói là không bao giờ. Khách đi xe buýt chủ yếu là học sinh, sinh viên, người về hưu, người có thu nhập thấp. Họ không để ý đến các cơ quan truyền thông trên. Vậy chắc chắn đại đa số khách đi xe buýt sẽ không thể biết.

Lẽ ra, nếu biết tôn trọng khách và làm ăn chuyên nghiệp, ngành XBHN phải cử người đi dán tờ thông báo thay đổi lộ trình ở tất cả những điểm đỗ cũ mà nay không đi qua của 8 tuyến như đã nói. Việc này hoàn toàn khả thi, không có khó khăn gì. Vả lại, dẫu có mất nhân công, thời gian nhưng để phục vụ khách chu đáo, XBHN vẫn phải làm. Nhưng họ đã không nghĩ ra. Hoặc có thể nghĩ tới nhưng thấy phiền hà nên không làm.

Một điều nữa rất đáng nói là chiều ngày 1/1/2017, tôi chờ đi xe số 33 như mọi lần. Sau 1 giờ đồng hồ không thấy, đã gọi đến “đường dây nóng” ghi ở phía dưới tấm biển thông báo lộ trình mấy tuyến xe buýt đi qua. Phải bấm điện thoại quá nhiều theo chỉ dẫn mới được một giọng nam trả lời: “Không biết. Xin chờ một lúc nữa để tôi hỏi rồi gọi lại cho quý khách”. Nhân viên này sau đó có gọi lại. Nhưng vẫn không cho tôi biết được điều cần biết là tuyến xe 33 đã thay đổi như thế nào và để đến nơi cần đến, tôi phải lên những xe nào, đi mấy chặng?

Sáng ngày 3/1/2017, tôi lại gọi điện thoại đến số 0438136393 (in ở phía dưới thẻ vé tháng) để hỏi lộ trình xe 33. Cũng sau rất nhiều cú bấm mới nghe được một nữ nhân viên cho biết. Nhưng vẫn là lộ trình cũ. Tôi nói đã thay đổi thì nữ nhân viên này nói không biết. Quả là không còn gì để nói!!! Khách hỏi đúng nơi có trách nhiệm trả lời mà người thì “không biết”, người thì vẫn chỉ dẫn khách theo lộ trình cũ mặc dù đã thay đổi được 2 ngày. Vậy 2 nhân viên này ở đâu? Hay là từ trên trời vừa mới rơi xuống ngành XBHN làm việc?

Cứ bảo vì sao dân chưa mặn mà với xe buýt. Bần cùng bất đắc dĩ lắm họ mới phải tìm đến loại phương tiện công cộng còn quá nhiều điều đáng phàn nàn này. TP Hà Nội đang ra sức tìm mọi cách thu hút người dân từ bỏ các phương tiện cá nhân để đến với XB, nhưng cứ cung cách phục vụ kiểu này thì bao giờ mới đạt được?

Chưa bao giờ khách đi xe buýt được coi là “Thượng đế” mà luôn như là kẻ đi nhờ. Và kể cả những người cao tuổi cũng đều bị nhiều nhân viên phục vụ trên xe rất coi thường bằng việc trả lời trống không hoặc phớt lờ mỗi khi họ hỏi điều gì mà toàn là những nội dung phải có trách nhiệm trả lời theo quy đinh (lộ trình các tuyến xe, sang xe khác…).

Một nguyên tắc tối thượng của mọi ngành kinh doanh, dịch vụ là tất cả phải vì quyền lợi chính đáng của khách, phải thu hút khách đến với mình chứ không phải là ngược lại. Cung cách phục vụ của XBHN hiện tại là đang xua khách đi chứ không phải mời khách đến. Thảo nào mà số người mua sắm xe máy, xe hơi ngày càng nhiều thêm trong khi người đi xe buýt theo chiều hướng ngược lại. Vậy tình hình bế tắc về giao thông đô thị của Hà Nội biết đến bao giờ mới được giải quyết đây?

TS Nguyễn Đình San/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ngao-ngan-xe-buyt-ha-noi-lai-mat-diem-p44081.html