Ngành truyền hình cũng sẽ 'gặp khó' y như báo in, báo điện tử?

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và sự bùng nổ mạng xã hội, ngành truyền hình...

Ngành Truyền hình đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt là sự ảnh hưởng ngày càng lớn của các loại hình mạng xã hội

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và sự bùng nổ mạng xã hội, ngành truyền hình thế giới dù chưa bị cạnh tranh như báo in nhưng cuộc chiến giành giật khán giả đang đặt ra nhiều thách thức.

Tuân thủ luật chơi quốc tế và vấn đề bản quyền

Theo báo cáo của Diễn đàn truyền hình châu Á (Asia TV Forum 2017), một trong những vấn đề nóng mà tất cả các đài, kênh truyền hình kể cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang phải đối mặt đó là việc phải tuân thủ các quy định, luật chơi quốc tế về vấn đề bản quyền đối với những chương trình mua bản quyền phát sóng từ tay các đối tác nước ngoài.

VTVcab đã chính thức mất quyền phát sóng hai giải thi đấu bóng đá Champions League và Europa League tại Việt Nam từ đầu tháng 5/2017 do không kiểm soát được việc ăn cắp bản quyền.

Discovery Channel - một kênh truyền hình chuyên sâu, chuyên biệt phù hợp với những người thích khám phá khoa học

Thách thức từ mạng xã hội

Theo đánh giá của Digital News Report, hiện nay, nhiều đài, kênh sản xuất nội dung truyền hình quốc tế như: Kênh CNN của Mỹ, Kênh 1 của Nga, CCTV của Trung Quốc, NHK, TBS của Nhật Bản, Arirang của Hàn Quốc, VTV của Việt Nam… cũng đã nhận thấy, ngành Truyền hình đang bắt đầu đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn đặc biệt là sự ảnh hưởng ngày càng lớn của các loại hình mạng xã hội bên cạnh việc phải đổi mới tư duy, phương thức sản xuất nội dung.

Ngày nay, thay vì xem truyền hình, nhiều người đã chọn mạng xã hội để tiếp nhận thông tin, theo dõi những chương trình mà họ yêu thích, thậm chí đó là những chương trình do chính các đài, kênh truyền hình tự sản xuất nhưng bị vi phạm bản quyền và được đăng tải trên các mạng xã hội, đặc biệt là Youtube và các mạng chia sẻ video trực tuyến khác.

Số liệu của Cơ quan Quản lý thông tin, năng lượng Mỹ công bố cho thấy, có đến 2,6% số các gia đình Mỹ hiện nay không cần dịch vụ truyền hình truyền thống. Thay vào đó, các gia đình Mỹ có xu hướng xem truyền hình ngay trên máy tính để bàn, máy tính bảng và điện thoại di động có kết nối internet.

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật, người dân tại nhiều thành phố lớn trên thế giới đã có thể trang bị cho gia đình những thiết bị ti vi thông minh, có khả năng kết nối trực tiếp với mạng internet. Khi đã sở hữu các thiết bị hiện đại này, khán giả có thể tìm và xem bất cứ chương trình truyền hình nào trên toàn cầu mà không bị hạn chế về thời gian và không gian, họ có quyền thoải mái xem bất cứ chương trình nào mình mong muốn mà không cần đến các dịch vụ thuê bao truyền hình như trước đây.

Thực tế này đã kéo theo sự suy giảm số lượng khán giả xem truyền hình. Minh chứng cho điều này, tờ Business Insider hồi đầu tháng 3 vừa qua đã trích dẫn số liệu khảo sát của Cơ quan quản lý thông tin, năng lượng Mỹ (USEI) cho thấy số lượng các gia đình ở Mỹ hiện không sử dụng các dịch vụ truyền hình truyền thống, thậm chí không sở hữu cả thiết bị thu hình (TV) đã tăng ít nhất gấp 2 lần so với thống kê vào năm 2009.

Nếu các đài truyền hình không lập ra các kế hoạch nghiên cứu chiến lược sản xuất những nội dung ngắn gọn, cô đọng, phù hợp với các định dạng có thể xem trên điện thoại thông minh, máy tính bảng hay chủ động viết, phân phối các ứng dụng xem truyền hình trên các thiết bị của thời đại kỷ nguyên số thì việc mất khán giả sẽ khó tránh.

Theo báo cáo của kênh Nielsen, để đánh giá được sự ảnh hưởng này một cách cụ thể, có định lượng, nhiều đài, kênh truyền hình trên thế giới đã sử dụng công nghệ đo rating để làm công cụ đo lường kiểm tra lượng khán giả thực nhằm đánh giá chính xác hơn chất lượng các chương trình được đầu tư sản xuất.

Hướng đi mới cho ngành Truyền hình thế giới

Một chương trình ăn khách của kênh National Geographic

Trang Review.org dẫn nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực truyền hình quốc tế cho biết, ngành Truyền hình cũng đã có những bước chuyển mình đáng chú ý trong những năm qua, đặc biệt là ở thị trường Mỹ và các nước phát triển.

Cũng giống như báo chí điện tử, truyền hình cũng buộc phải phát triển theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt. Cụ thể, việc sản xuất các chương trình nội dung phải có chiến lược nhất định, thống nhất và xuyên suốt với kênh sóng mà nó đã hiện diện nhằm định vị được khán giả.

Số lượng kênh tin tức tổng hợp sẽ ngày càng bị cắt giảm, thay vào đó sẽ lên ngôi những kênh sóng chuyên phát các nội dung chuyên biệt về một ngành nghề, lĩnh vực, sở thích, lứa tuổi nào đó mà khán giả quan tâm, có nhu cầu xem thường xuyên.

Chuyên gia sinh tồn Bear Grylls và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama xuất hiện trên kênh Discovery Channel

Các kênh truyền hình của Mỹ đã thực hiện rất tốt chiến lược này, số kênh tin tức tổng hợp ở Mỹ hiện không có nhiều, thay vào đó, truyền hình Mỹ có những kênh phục vụ nội dung chuyên biệt.

Chẳng hạn, nếu khán giả thích xem thời sự tổng hợp, họ có thể bật kênh CNN, Fox News, NBC, ai muốn xem các thể loại khám phá - khoa học - lịch sử có các kênh: National Geographic, History, Discovery Channel. Người thích phim ảnh có thể xem phim liên tục trên kênh: Starmovie, HBO. Nếu là đối tượng trẻ em có: Cartoon Network, Kid Arttack, Davinci. Ai thích thể thao, hoạt động ngoài trời có ngay: Starsport, Outdoor TV…

Đây cũng là chiến lược mà các đài, kênh truyền hình ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam hướng tới. Tuy nhiên, hiện nay, có thể vì điều kiện sản xuất, đầu tư, kinh phí chưa được tốt nên một số kênh sóng của đài truyền hình ở các nước đang phát triển thường chưa thể hiện sự chuyên nghiệp của họ.

Bằng chứng là việc có những kênh sóng chuyên về thời sự lại chiếu cả phim truyền hình, kênh khoa học - giáo dục lại chiếu cả thời sự thường nhật hay phim nước ngoài... Thực tế này nếu cứ kéo dài chắc chắn khán giả sớm bỏ kênh, chuyển sang theo dõi truyền hình nước ngoài thay vì ủng hộ các kênh sóng trong nước.

Lê Cường

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nganh-truyen-hinh-cung-se-gap-kho-y-nhu-bao-in-bao-dien-tu-d213782.html