Ngành nhựa xây dựng đối mặt nguy cơ thâu tóm từ nước ngoài

Nhằm cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin chi tiết về ngành nhựa xây dựng và các cổ phiếu niêm yết trong ngành nhựa xây dựng, chiều 2-11, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbanksc) tổ chức hội thảo “Ngành nhựa xây dựng Việt Nam – Câu chuyện cạnh tranh trên sân nhà. Gặp gỡ Công ty CP Tập đoàn nhựa Đông Á (DAG)”.

Nhựa xây dựng sản xuất tại Tập đoàn Nhựa Đông Á. Ảnh: ST

Ông Phạm Văn Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ xây dựng cho biết, doanh nghiệp nhựa xây dựng được phân làm 2 ngạch chính đó là doanh nghiệp sản xuất ống nhựa và doanh nghiệp sản xuất thanh profile. Trong đó, các sản phẩm ống nhựa sản xuất tại Việt Nam chiểm 95-98% thị trường ống nhựa Việt Nam. Sản phẩm ống nhựa đã thay thế 50-60% các sản phẩm ống cấp nước bằng kẽm và vật liệu khác tại Việt Nam.

Với các doanh nghiệp sản xuất thanh profile, hiện Việt Nam có khoảng gần chục công ty, chủ yếu tập trung tại miền Bắc với tổng công suất khoảng 20.000- 25.000 tấn/ năm. Hiện hàng hóa sản xuất từ các doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại 40% phải nhập khẩu. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 90%, còn lại là nhập khẩu từ Malaysia và các nước châu Âu.

Đồng tình với quan điểm của ông Bắc, ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – VietinBankSc cho rằng thị phần mảng nhựa xây dựng chỉ chiếm 18,2% tổng ngành. Nhưng tốc độ phát triển của nhựa xây dựng khá lớn đạt 15-20%, nên tiềm năng phát triển mạnh. Hiện nay, có 180 doanh nghiệp đang hoạt động trong 2 mảng là ống nhựa xây dựng và nhựa vật liệu xây dựng.

Mảng ống nhựa xây dựng với doanh thu khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng với 2 doanh nghiệp lớn là nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP) và Nhựa Bình Minh (BMP). Còn đối với mảng nhựa vật liệu xây dựng bao gồm nhựa profile, nhôm composite và tấm trần nẹp cửa thì Nhựa Đông Á là doanh nghiệp nội chiếm thị phần nhiều nhất.

Ngoài ra, thị trường bất động sản tăng trưởng, nhu cầu xây dựng nhà ở và hạ tầng tăng lên là điều kiện thuận lợi cho ngành nhựa xây dựng phát triển. Từ 2016-2020, nhu cầu cửa/cửa sổ ước sẽ tăng trung bình mỗi năm 42,8 triệu m2. Với thị phần hiện tại của hệ thống cửa nhựa đạt 35%, dự kiến nhu cầu cửa nhựa mỗi năm sẽ tăng trung bình 14,9 triệu m2.

Những triển vọng như trên cũng đồng thời mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn đối với cổ phiếu ngành nhựa xây dựng. Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, trong 1 năm trở lại đây, các cổ phiếu trong ngành nhựa xây dựng như BMP, NTP, DAG đã có diễn biến giá tốt hơn chỉ số VN-Index nói chung. Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) và hệ số giá thị trường trên giá sổ sách (P/B) của các cổ phiếu này cũng đang ở mức khá hấp dẫn. Đặc biệt như cổ phiếu DAG có P/E, P/B lần lượt là 11,95 và 1,25, thấp hơn trung bình ngành là 12,3 và 2,98 lần.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nganh-nhua-xay-dung-doi-mat-nguy-co-thau-tom-tu-nuoc-ngoai.aspx