Ngành điện tử đang trong tình trạng 'tiến thoái lưỡng nan'

Ngành điện tử sử dụng nhiều lao động vừa phải cạnh tranh với công nghệ tự động hóa vừa phải đối mặt với nhiều nước có lao động rẻ hơn.

“Ngành điện tử đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan”, đó là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại cuộc Đối thoại cấp cao ba bên với nội dung “Tối ưu hóa phát triển và tác động việc làm của đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động của các công ty đa quốc gia của ngành điện tử Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn thông qua Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình DươngTPP và Hiệp định thương mại tự do FTA”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, điện tử..

Tuy nhiên, gần đây có một số dự báo về tình trạng mất việc làm trong ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các nước đang phát triển với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp mới đó là thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất, logistics, phương thức phân phối.

Đặc biệt là sự tham gia của người máy vào trong quá trình thao tác lắp ráp đơn giản vì chi phí người máy đang rẻ. Có thể nói, nền công nghiệp sử dụng nhiều lao động của Việt Nam đang đứng trước thách thức to lớn, vừa cạnh tranh đối với người máy và cả các nước có lao động rẻ hơn như Campuchia, Myanmar…gây ra tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, và ngành điện tử cũng không nằm ngoài thách thức này.

Tại buổi đối thoại, các đại biểu cũng nhận định, thực tế, ngành điện tử là biểu tượng cho hội nhập của Việt Nam, đóng góp lớn cho xuất khẩu, được đánh giá là ngành công nghiệp chiếm tỉ lệ lao động cao với hơn 0,5 triệu lao động.

Tuy nhiên người lao động chỉ tham gia lắp ráp, doanh nghiệp chỉ cung cấp bao bì, đó là thực trạng, mặt trái của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Do đó, cần tạo đột phá trong tái cấu trúc nền kinh tế bắt đầu từ đột phá trong ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục dạy nghề.

Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp nội địa. Nhà nước cần phải nâng cấp về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, giáo trình, nâng cao tay nghề cho công nhân thông qua việc ban hành chính sách nâng cao tay nghề cho họ như thi tay nghề./.

Bảo Ngọc/VOV-Trung tâm tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/nganh-dien-tu-dang-trong-tinh-trang-tien-thoai-luong-nan-555533.vov