Ngành công nghệ thực phẩm - Nhiều cơ hội việc làm

GD&TĐ - Xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015 - 2020, công nghệ thực phẩm đang khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp thực phẩm liên tục được xây dựng mới hoặc phát triển mở rộng, đầu tư đa dạng hóa sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên ngành công nghệ thực phẩm.

Nhóm ngành có lợi thế cạnh tranh

Theo Bộ Công Thương, giá trị thực phẩm tiêu thụ hàng năm chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sức tiêu thụ sản phẩm của ngành chế biến thực phẩm nước ta đạt khoảng 29,5 tỷ USD. Với quy mô dân số khoảng trên 90 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,5%/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế. Ngoài những ngành kinh tế kỹ thuật chính (rượu - bia - nước giải khát; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; chế biến bột và tinh bột..) lĩnh vực thực phẩm của nước ta đang ngày càng mở rộng để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Cũng theo Bộ Công Thương, công nghiệp thực phẩm được xếp vào nhóm ngành có lợi thế cạnh tranh và có định hướng, chiến lược phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, có khả năng cạnh tranh cao, qua đó, góp phần đưa ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nước ta thành ngành kinh tế thế mạnh, từng bước hội nhập vững chắc với khu vực và thế giới.

Với vị trí và tiềm năng quan trọng, công nghệ thực phẩm là ngành được xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015 - 2025. Theo các chuyên gia, nước ta đang thực sự thiếu những người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực thực phẩm. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần có chiến lược xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng yêu cầu sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhu cầu nhân lực đa dạng

Công nghệ thực phẩm đang dần định hình vị thế của mình trong đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực có trình độ cho ngành này vẫn còn là một bài toán chung cho các công ty, nhà máy, trường học, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực thực phẩm. Đây cũng đồng thời là cơ hội cho các học sinh, sinh viên có niềm đam mê với ngành công nghệ thực phẩm.

Ngành công nghệ thực phẩm tuyển sinh ở cả hệ đại học và cao đẳng. Ở hệ đại học sinh viên được đào tạo khối kiến thức đại cương, khối kiến thức ngành công nghệ thực phẩm và khối kiến thức chuyên ngành công nghệ thực phẩm. Trong đó, khối kiến thức chuyên ngành công nghệ thực phẩm bao gồm hóa thực phẩm; cơ sở thiết kế nhà máy, nguyên liệu và phụ gia thực phẩm; máy thiết bị thực phẩm; công nghệ chế biến nhiệt lạnh; công nghệ bia rượu; dinh dưỡng, độc học và an toàn thực phẩm; bao bì thực phẩm; quản lý chất lượng thực phẩm; vi sinh thực phẩm và phân tích vi sinh... sinh viên sẽ vận dụng những kiến thức và kỹ năng học được để thực hiện đồ án tốt nghiệp tại phòng thí nghiệm hoặc nhà máy, cơ sở sản xuất, quản lý Nhà nước về thực phẩm.

Ở hệ cao đẳng, người học có kỹ năng thực hành tốt trong điều kiện sản xuất thực tế, có khả năng cải tiến và xây dựng các quy trình công nghệ sản xuất các mặt hàng thực phẩm. Người học có thể học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp trong điều kiện của nền kinh tế thị truờng. Thông qua chương trình, người học có thể hiểu biết về thực phẩm, công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp, các chất phụ gia thực phẩm, máy thực phẩm, bảo vệ môi trường, sinh thái học, độc hại môi trường.

Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm sau khi tốt nghiệp có thể làm việc chuyên môn tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm, các viện nghiên cứu, công ty liên quan đến lương thực thực phẩm, làm cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực chế biến, bảo quản và nâng cao chất lượng thực phẩm hoặc có thể trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng, trung tâm y tế và trung tâm y tế dự phòng…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nganh-cong-nghe-thuc-pham-nhieu-co-hoi-viec-lam-2465582-b.html