Ngành chức năng chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật

Trước những ý kiến liên quan đến việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn những ngày qua, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với các nhà quản lý, những người làm việc chuyên ngành xung quanh chủ đề lập lại trật tự để hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển lành mạnh.

 ThS. Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Quản lý biểu diễn, Cục NTBD. Ảnh Chinhphu.vn

ThS. Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Quản lý biểu diễn, Cục NTBD. Ảnh Chinhphu.vn

ThS. Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Quản lý biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng để lập lại trật tự, tạo điều kiện cho nghệ thuật biểu diễn phát triển lành mạnh, trước hết cần làm rõ nguyên nhân gây ra những tồn tại, làm dư luận bức xúc để có giải pháp phù hợp. Nhất là nguyên nhân dư luận phản ứng với cách ăn mặc phản cảm của một số nghệ sĩ.

Về vấn đề này ông Nhân cho rằng: Trong thời gian qua, văn hóa đại chúng, thông tin mạng nói chung cũng như nghệ thuật biểu diễn có bước phát triển rất nhanh. Dân tộc ta với truyền thống Á đông nên việc chấp nhận cái mới, cái lạ, tất có những khó khăn. Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ không được đào tạo bài bản, biểu diễn tự do, phông văn hóa thấp, không nhận biết được những giá trị thẩm mỹ lành mạnh, để điều tiết hành vi của mình.

Một số tổ chức biểu diễn và nghệ sĩ trẻ đã cố tình gây scandal, nhằm thu hút sự chú ý của 1 bộ phận khán giả. Mặt khác, đội ngũ làm nhiệm vụ quản lý nghệ thuật biểu diễn còn thiếu về số lượng, một số người lại yếu về năng lực, chưa theo kịp trình độ phát triển để quản lý chặt chẽ lĩnh vực này.

"Ngoài ra còn phải kể đến cách thông tin giật gân, câu khách của không ít trang mạng, cũng như nhiều biểu hiện chưa đẹp của giới nghệ sĩ xảy ra trong các chương trình giải trí,… cũng là nguyên nhân làm dư luận bức xúc", ông Nhân chia sẻ.

Chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ quan trực thuộc quản lý chặt chẽ hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Chỉ thị đưa ra biện pháp xử lý mạnh, thậm chí quy định cả việc dừng cấp phép biểu diễn.

"Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ xử lý nghiêm tất cả các trường hợp cố tình vi phạm quy định", ông Nhân khẳng định.

Tuy nhiên, ông Nhân cũng cho rằng việc xử lý nghệ sĩ phải thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật. Vấn đề quan trọng là cải biến nhận thức, xử phạt mà người ta không cải biến thì hình phạt không có nhiều giá trị.

Cùng chia sẻ về chủ đề này, ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng Văn hóa Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng: Chỉ thị của Bộ trưởng về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn thời trang là rất cần thiết, một biện pháp mạnh để lập lại trật tự trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Thực hiện Chỉ thị này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã và đang có những biện pháp cụ thể, kiên quyết đưa các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng theo đúng các quy định của pháp luật như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật không chỉ ở các quận trung tâm thành phố mà ở cả các huyện ngoại thành.

Bên cạnh đó, Sở còn yêu cầu các quận, huyện tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động văn hóa đặc biệt là những vi phạm xảy ra tại địa phương, cần tăng cường sự phối kết hợp hơn nữa với Thanh tra Sở, Công an thành phố để kịp thời xử lý những vấn đề liên quan.

Ông Trực cũng khẳng định thêm: "Trước khi cấp phép biểu diễn, Sở thực hiện kiểm duyệt chặt chẽ hơn nữa, yêu cầu thực hiện đúng quy chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, ca sĩ không được hát nhép, trang phục phải phù hợp, đúng thuần phong mỹ tục. Chúng tôi sẽ kiên quyết không cấp Giấy phép biểu diễn, Giấy tiếp nhận biểu diễn cho các đơn vị thường xuyên mắc các vi phạm trong hoạt động biểu diễn, quảng cáo biểu diễn".

Để nghệ thuật biểu diễn phát triển lành mạnh

Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Văn hóa - Nghệ thuật, Sở VHTTDL Hà Nội, Ảnh Chinhphu.vn

Để hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển lành mạnh, về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Trực cho rằng: Trước hết phải có sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời, còn phải có biện pháp để nâng cao ý thức đạo đức của các nghệ sĩ, cũng như nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của khán giả... Đồng thời cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và các bộ phận phòng ban chức năng của địa phương tại nơi diễn ra các hoạt động biểu diễn.

Bởi vì, khi đơn vị tổ chức biểu diễn muốn biểu diễn được phải xuất trình giấy phép công diễn nghệ thuật, kèm theo nội dung chương trình biểu diễn, giấy phép quảng cáo và nhất thiết phải có sự được phép, đồng ý của địa phương thì mới được tổ chức biểu diễn. Do vậy, nếu quảng cáo không phép, sai phép, sai nội dung chương trình, sai tên nghệ sĩ diễn viên thì Phòng văn hóa tại nơi biểu diễn phải là người biết trước tiên để xử lý kịp thời, từ đó ngăn chặn các vi phạm xảy ra.

Về mặt thể chế, ông Nhân cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; phát hành, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Trong dự thảo, đã đề xuất những quy định nghiêm khắc để quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Cụ thể dự thảo quy định rõ, người tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu không được thay đổi nội dung, thêm bớt lời ca, lời thoại, thêm động tác diễn xuất khác với nội dung đã được phép biểu diễn mà gây hậu quả xấu. Hoặc không được dùng giọng hát thu trong bản ghi âm để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn…

Đặc biệt dự thảo quy định các ông bầu không được yêu cầu hoặc cho phép người biểu diễn sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc. Cũng như không được tổ chức biểu diễn cho người đã bị cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch cấm biểu diễn.

Tuy vậy, ông Nhân cho rằng để giải quyết tận gốc những biểu hiện chưa đẹp xảy ra trong giới biểu diễn nghệ thuật, ngoài những giải pháp mang tính quản lý, cần phải có chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao nhận thức thẩm mỹ, và đạo đức của người biểu diễn, cũng như cần phải có chương trình đào tạo về thẩm mỹ cho nhân dân. Đảm bảo phông thẩm mỹ của nghệ sĩ phải gắn với phông thẩm mỹ của công chúng...

Ông Nhân bày tỏ rằng, trong sự vận động hướng tới nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, những giá trị văn hóa đích thực của nhân loại sẽ được tiếp thu có chọn lọc, còn biểu hiện chưa đẹp, phản cảm sẽ bị guồng quay chân giá trị hất văng ra khỏi dòng chảy của sự phát triển.

Đức Mạnh – Thu Huyền thực hiện

Tin liên quan:

>> Ý kiến người dân cần thiết phải chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật

>> “Tôn trọng khán giả, cũng là tôn trọng chính mình”

>> NSND Trung Đức: Nghệ sĩ phải đem cái đẹp đến công chúng

>> “Bầu sô” lên tiếng về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật

>> “Nghệ thuật biểu diễn là văn hóa cao cấp của xã hội”

>>Không cấp phép biểu diễn cho đơn vị, cá nhân, ca sĩ đã có sai phạm

>> Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải cam kết thực hiện quyền tác giả

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/nganh-chuc-nang-chan-chinh-hoat-dong-bieu-dien-nghe-thuat/20125/137901.vgp