Ngành bảo hiểm đứng trước nhiều yêu cầu lớn

(ĐTCK) Tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành bảo hiểm năm 2012 và triển khai hoạt động năm 2013 do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức hôm 15/1, ngoài việc biểu dương những kết quả tích cực của ngành trong năm qua, không ít những tồn tại cũng được đưa ra phân tích, mổ xẻ.

Tái cấu trúc sẽ là trọng tâm của ngành bảo hiểm trong năm 2013

“Nóng” lợi bảo hiểm

Trao đổi với ĐTCK bên lề Hội nghị, nhiều đại diện DN tỏ ra quan ngại trước tình trạng trục lợi bảo hiểm, ở cả 2 mảng nhân thọ và phi nhân thọ, với diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Trục lợi bảo hiểm có thể xảy ra tại bất cứ công đoạn nào trong chu trình bảo hiểm (từ khai thác, giao kết hợp đồng, giám định, khiếu nại bồi thường và giải quyết bồi thường) và do nhiều đối tượng khác nhau thực hiện. Trước đó, tại buổi tập huấn với đại lý bảo hiểm tại một số DN bảo hiểm nhân thọ đầu Xuân 2013, trục lợi bảo hiểm, đặc biệt là trong mảng bảo hiểm y tế được xem là rủi ro hiện hữu trong năm 2013.

Ở góc độ đại diện cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thừa nhận, trục lợi bảo hiểm gia tăng và diễn ra trên quy mô rộng sẽ gây thiệt hại lớn cho DN bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm và toàn xã hội.

Báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho thấy, riêng trong lĩnh vực phi nhân thọ, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện trong giai đoạn 2007 - 2011 là 3.973 vụ, với tổng số tiền trục lợi là 149,9 tỷ đồng. Trục lợi bảo hiểm xảy ra chủ yếu ở các DN bảo hiểm phi nhân thọ nhà nước hoặc cổ phần, tập trung nhiều vào nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người. Bảo hiểm Bảo Việt là DN xảy ra nhiều vụ trục lợi nhất, với 3.440 vụ, tổng số tiền trục slợi là 18,7 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Bảo hiểm PVI với 227 vụ trục lợi, tổng số tiền trục lợi là 4,9 tỷ đồng. PJICO đứng thứ ba với 184 vụ trục lợi, nhưng số tiền bị trục lợi lại lên tới 103,7 tỷ đồng.

Ở mảng bảo hiểm nhân thọ, tình trạng trục lợi bảo hiểm có phần phổ biến hơn, với 40.731 vụ được phát hiện, tổng số tiền bị trục lợi lên tới 261,8 tỷ đồng, chủ yếu xảy ra ở nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm trọn đời. Prudential Việt Nam là DN phát hiện nhiều vụ trục lợi nhất, với 39.279 vụ (chiếm 96% số vụ trục lợi của thị trường nhân thọ), tổng số tiền trục lợi là 162 tỷ đồng (chiếm 62% số tiền bị trục lợi của thị trường nhân thọ).

Để đấu tranh với hành vi trục lợi bảo hiểm, ngăn chặn rủi ro cho các DN trong ngành, theo ông Trịnh Thanh Hoan, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các DN trong ngành, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là phía Bộ Tư pháp, Công an.

Tái cấu trúc DN, cần phải bài bản hơn

Một trong những nội dung được tập trung thảo luận tại Hội nghị triển khai hoạt động năm 2013 của ngành bảo hiểm là việc triển khai kế hoạch tái cấu trúc ngành trong năm 2013, vốn được khởi động từ hơn 1 năm nay. Ngày 6/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1826/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và DN bảo hiểm. Theo đó, DN trong ngành bảo hiểm sẽ được phân làm 4 nhóm.

Theo ông Trịnh Thanh Hoan, về cơ bản, việc tái cấu trúc vẫn được các DN bảo hiểm thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, để việc tái cấu trúc các DN bảo hiểm được thực hiện bài bản, trong năm 2013, Bộ Tài chính cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Thông tư quy định tiêu chí đánh giá toàn diện rủi ro hoạt động kinh doanh, mức độ an toàn tài chính và công tác quản trị điều hành của DN bảo hiểm.Trên cơ sở các quy định tại Thông tư, Cục sẽ tiến hành đánh giá, phân loại DN và áp dụng các biện pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm DN.

Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho lĩnh vực này. Để chống trục lợi bảo hiểm hiệu quả, cần phải xây dựng được chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các DN trong ngành.

Bộ sẽ kiện toàn lại đội ngũ cán bộ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý bảo hiểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các DN bảo hiểm.

Ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt

Năm 2013, thị trường bảo hiểm nói chung vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn và có khả năng khó duy trì tốc độ tăng trưởng so với năm 2012. Tuy nhiên, khách hàng đang có xu hướng tìm đến các DN bảo hiểm uy tín, có sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng dịch vụ tốt, năng lực tài chính vững mạnh. Đó cũng chính là cơ hội để ngành bảo hiểm phát triển bền vững hơn.

Để vượt qua khó khăn trước mắt, các DN cần xác định rõ chiến lược kinh doanh phát triển bền vững, chú trọng phát triển sản phẩm phù hợp và quan tâm đến dịch vụ sau bán hàng. Các DN cần nhận thức tốt hơn về sự hợp tác trong ngành, tránh các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJJFFD/nganh-bao-hiem-dung-truoc-nhieu-yeu-cau-lon.html