Ngang nhiên xâm hại hồ Núi Cốc, do buông lỏng quản lý?

Được coi là công trình đại thủy nông của ngành nông nghiệp nhưng nhiều năm nay hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) liên tục bị xâm hại. Đó chính là hệ lụy bởi việc buông lỏng quản lý và xử lý thiếu dứt điểm của chính quyền và các cơ quan chức năng của địa phương.

Bến thuyền Thiên nga - công trình xây dựng trái phép trực tiếp xâm hại lòng hồ Núi Cốc

Hồ Núi Cốc là một trong 6 hồ trữ nước tầm quốc gia được xây dựng từ năm 1973 và hoàn thành năm 1982 với diện tích mặt hồ rộng khoảng 25km2, dung tích 176 triệu m3, độ sâu 35m.

Ngoài việc điều tiết lũ, hồ Núi Cốc được xây dựng với nhiều mục đích như cung cấp nước cho hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, cấp nguồn nước mặt cho cộng đồng dân cư, du lịch...

Nhờn thuốc

Từ khi đi vào hoạt động, hồ Núi Cốc làm nhiệm vụ giữ nước tưới tiêu cho các huyện Phổ Yên, Sông Công, Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên và một số huyện của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên và một số khu vực lân cận.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay hoạt động xây dựng trong khu du lịch vùng hồ Núi Cốc diễn biến khá phức tạp và nghiêm trọng, có nguy cơ vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Rất nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép, xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm lòng hồ… đã xảy ra. Trong khi đó, việc xử lý còn chậm và thiếu kiên quyết dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc” đối với cả các doanh nghiệp lẫn người dân.

Hơn 7 năm trước, ngày 22/3/2008, Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và khai thác thủy lợi hồ Núi Cốc - sau khi “xem xét kiểm tra hồ sơ việc san lấp mặt bằng thuộc lòng hồ Núi Cốc”, phát hiện “Cty CP Khách sạn du lịch công đoàn hồ Núi Cốc đã vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Đoàn kiểm tra yêu cầu đơn vị dừng ngay việc thi công đổ đất, đá xuống lòng hồ và khắc phục hậu quả việc san lấp mặt bằng đã gây ra”.

Sau đó, ngày 1/8/2008, UBND tỉnh Thái Nguyên có Công văn số 1211/UBND-NLN: “Yêu cầu Cty CP Khách sạn du lịch công đoàn hồ Núi Cốc thực hiện ngay việc nạo vét khối lượng đất đã đổ xuống lòng hồ, khôi phục lại nguyên trạng như trước khi vi phạm”. Ngày 1/9/2008, Thanh tra Sở NN-PTNT Thái Nguyên có Quyết định xử phạt hành chính số 00021/QĐ-XPHC phạt Cty CP Khách sạn du lịch công đoàn hồ Núi Cốc 12 triệu đồng do đã vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Công trình hoàn thiện và đưa vào kinh doanh dù chưa có giấy phép

Tuy nhiên, Cty CP Khách sạn du lịch công đoàn hồ Núi Cốc không những không dừng và khắc phục hậu quả mà còn tiếp tục thi công xây dựng công trình rồi sau đó không lâu một ngôi nhà tám mái và khuôn viên xung quanh đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Lấn sâu

Tiếp nối sau “thành công” của việc xây dựng ngôi nhà tám mái và khuôn viên, mới đây Cty CP Khách sạn du lịch công đoàn hồ Núi Cốc tiếp tục triển khai xây dựng công trình Trung tâm thương mại du lịch và công trình Bến thuyền Thiên nga khi chưa được phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Đại diện Sở Xây dựng Thái Nguyên, cho biết, tại thời điểm phát hiện (tháng 11/2015), công trình Trung tâm thương mại khách sạn du lịch vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng.

Chủ đầu tư là Cty CP Khách sạn du lịch công đoàn hồ Núi Cốc cũng chưa được các cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết và điều chỉnh mục đích sử dụng đất theo Quyết định số 724/QĐ-UBND ngày 15/7/2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên đang có hiệu lực.

Được biết, ngày 12/11/2015, Đoàn công tác của Sở Xây dựng Thái Nguyên gồm Thanh tra Xây dựng và cán bộ phòng Quy hoạch - Kiến trúc đã tới lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình Trung tâm thương mại du lịch của Cty CP Khách sạn du lịch công đoàn hồ Núi Cốc.

Cũng theo đoàn kiểm tra của ngành xây dựng, công trình Bến thuyền Thiên nga trái phép đang được thi công với kết cấu cột, sàn bê tông cốt thép và mặt sàn rộng gần 600m2 . Nguy hại hơn, phần móng và cột bê tông nằm dưới cao trình cốt +46.25m được xác định là vi phạm về quản lý lòng hồ Núi Cốc, vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Ông Hà Thế Sáu - Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, cảnh báo: Hậu quả của việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… Đặc biệt, khả năng điều tiết, lưu trữ nước khi có lũ ống, lũ quét của hồ Núi Cốc đã giảm hẳn so với thiết kế.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ngang-nhien-xam-hai-ho-nui-coc-do-buong-long-quan-ly-post169927.html