Ngang nhiên phá rừng phòng hộ, chính quyền bất lực

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đang bị 'xóa sổ' từng ngày. Tình trạng này diễn ra ngang nhiên trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

Mảng rừng lớn bị tàn phá.

Mảng rừng lớn bị tàn phá.

Sau hơn một giờ leo núi, vượt qua nhiều đồi dốc, chúng tôi tiếp cận được rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 366 ở xã Ba Liên, huyện Ba Tơ. Phía trước là rừng phòng hộ khu vực lô 6 khoảnh 7 bị đốt phá nghiêm trọng. Hàng trăm cây rừng tự nhiên bị hạ ngã không thương tiếc bởi các vết cắt cũ, mới xen lẫn. Nhiều thân cây có đường kính 30-40cm nằm ngổn ngang trên đỉnh núi. Một số cây bị đốt cháy nham nhở nằm la liệt, một số bị cưa dở dang. Dải rừng tự nhiên kéo dài đã bị đốn hạ và đốt nham nhở.

Băng qua hơn 2 km vào sâu bên trong tiểu khu 366, chúng tôi phát hiện thêm nhiều mảng rừng bị chặt hạ. Tại đây, những cây gỗ bị đốt thành than. Bên cạnh đó, hàng chục khúc gỗ nhiều cỡ còn nguyên vẹn xếp ngay bên sườn đồi. Nhiều nhóm than nhỏ còn đỏ lửa, hơi khói âm ỉ. “Cái này là mới đốt lúc sáng thôi, khói còn” - người dân dẫn đường giải thích.

Thân gỗ tự nhiên to bị đốn hạ, chặt khúc.

Rừng phòng hộ tiểu khu 366 có tổng diện tích hơn 800 ha; trong đó, khu vực lô 6 khoảnh 7 có hai điểm bị chặt phá. Điểm thứ nhất cách hồ chứa nước Núi Ngang khoảng 3 km, gần 8.000m2, bị đốn hạ; cách đó hơn 2 km, 3.000m2 rừng cũng trong tình trạng tương tự. Hơn 11.000m2 rừng bị phá hoại nằm trên đỉnh núi, hoặc giữa rừng của các tiểu khu nên nhìn từ bên ngoài khó phát hiện thảm cảnh tan nát của rừng phòng hộ.

Tình trạng phá rừng phòng hộ tại huyện Ba Tơ diễn ra từ năm 2014 đến nay. Chỉ tính trong năm 2016, ngành chức năng và chính quyền địa phương huyện Ba Tơ đã phát hiện 34 vụ phá rừng phòng hộ tại các tiểu khu 366, 370 và 381 thuộc các xã Ba Liên, Ba Trang. Năm 2016, tổng diện tích rừng bị phá được phát hiện lên đến 147.000m2.

Ông Phạm Văn Cu - Chủ tịch UBND xã Ba Liên, huyện Ba Tơ xác nhận, khu vực vừa phát hiện thuộc tiểu khu 366 là những diện tích mới bị chặt hạ từ đầu tháng 8 năm nay. Địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con nhưng vẫn chưa ngăn chặn được. “Do chuyển đổi rừng sản xuất qua rừng phòng hộ nhưng chưa bồi thường cho dân đầy đủ. Người dân chung quanh thiếu đất sản xuất, canh tác nên phá rừng lấy đất trồng keo” – ông Phạm Văn Cu giải thích.

Rừng phòng hộ núi Ngang có tổng diện tích hơn 5.000 ha gồm nhiều tiểu khu, do Ban quản lý Rừng phòng hộ khu Đông Ba Tơ, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi quản lý. Tình trạng rừng phòng hộ bị băm nát kéo dài từ nhiều năm qua, với mật độ ngày càng nhiều. Để tìm hiểu rõ nguyên nhân, chúng tôi đã nhiều lần đến liên hệ làm việc với lãnh đạo Ban quản lý Rừng phòng hộ khu Đông Ba Tơ nhưng không được trả lời.

Ông Nguyễn Đại – Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho hay, chi cục đã phối hợp các ngành chức năng kiểm tra hiện trạng rừng phòng hộ bị tàn phá. Bước đầu xác định, số diện tích rừng bị phá là gỗ rừng tự nhiên hiện trạng rừng phục hồi. Cơ quan chức năng đã phát hiện hai đối tượng ở thôn Đá Chát, xã Ba Liên phá rừng phòng hộ để trồng keo, và đang tiến hành các bước điều tra tiếp theo.

“Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của Ban quản lý Rừng phòng hộ khu Đông Ba Tơ và kiểm lâm địa bàn. Chúng tôi đang phối hợp để xử lý và ngăn chặn vấn nạn này” - ông Nguyễn Đại – Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi thông tin thêm.

Bài và ảnh: ĐÔNG HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34170002-ngang-nhien-pha-rung-phong-ho-chinh-quyen-bat-luc.html