Ngăn sự cố y khoa gây họa

Sai sót trong y khoa là chuyện khó tránh khỏi song điều quan trọng là xử lý những sự cố, tai biến ấy như thế nào để tránh những hậu quả đáng tiếc

Liên tiếp những sự cố y khoa xảy ra thời gian gần đây khiến dư luận vô cùng lo lắng. Vậy ai là người chịu trách nhiệm khi những sự cố này xảy ra?

Nhiều sai lầm khó hiểu

Những ngày qua, dư luận không khỏi bức xúc trước vụ việc hàng vài chục bé trai ở Hưng Yên mắc bệnh sùi mào gà nghi do cắt bao quy đầu tại nhà một y sĩ không đủ thẩm quyền khám chữa bệnh (KCB), phòng khám chưa được cấp phép hoạt động và không có cả biển hiệu.

Theo người dân xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, y sĩ Hoàng Thị Hiền, chủ cơ sở nêu trên, hành nghề nhiều năm nay, ngày nào cũng có cả chục người đến nhờ bà KCB. Thế nhưng, chỉ đến khi hàng chục đứa trẻ ở địa phương bị sùi mào gà nghi sau cắt bao quy đầu tại nhà bà Hiền thì những sai phạm của y sĩ này mới được phanh phui.

Trong khi người dân bức xúc, lo lắng, đứng ngồi không yên vì con em họ bỗng chốc mắc "căn bệnh xã hội", thậm chí có thể là nguyên nhân ung thư nếu không chữa khỏi thì chính quyền địa phương lại cho rằng lỗi là do người dân thiếu hiểu biết nên mới phải gánh chịu hậu quả này! Điều đáng nói là lãnh đạo UBND xã Dạ Trạch - cách phòng khám của bà Hiền hơn 1 km - cũng không nắm được việc bà ta KCB từ khi nào, do y sĩ này không đăng ký xin cấp phép hoạt động và không có biển hiệu.

Chính quyền xã Dạ Trạch cho biết tháng 6-2016 và tháng 4-2017, cơ quan chức năng đã có 2 đợt kiểm tra giấy phép hành nghề y dược đối với cơ sở của bà Hiền. Song, đoàn chỉ kiểm tra vào giờ hành chính - lúc bà Hiền vắng nhà, trong khi thường thì chiều tối, phụ huynh mới đưa con em tới đây KCB. Do đó, chính quyền... không biết.

Trước những câu trả lời của lãnh đạo xã Dạ Trạch, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế băn khoăn: "Liệu chính quyền các cấp của tỉnh Hưng Yên đã thực sự làm tròn trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động của cơ sở này chưa? Phải chăng, việc xử lý chưa dứt điểm sai phạm này cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý hoạt động y tế tư nhân ở địa phương?".

Trong khi đó, vụ 8 người tử vong do chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình dù đã trôi qua gần 2 tháng nhưng dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Nguyên nhân vụ việc được kết luận là do nhiễm độc nguồn nước trong quá trình súc rửa hệ thống lọc RO của máy lọc thận.

Khi truy tìm được thủ phạm gây độc - chất axít Flohydric, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chạy thận, hồi sức cấp cứu, chống độc đã đặt vấn đề: Vì sao một loại hóa chất nằm ngoài danh mục được cấp phép của ngành y tế, có khả năng phá hủy tế bào và gây tử vong nhanh chóng cho bệnh nhân lại có mặt bất thường trong đường ống dẫn nước vào máy lọc thận, gây ra sự cố đau thương làm 8 người tử vong?

"Với việc có mặt hóa chất bất thường, trái phép, dù có áp dụng quy trình đúng về mặt y tế cũng không thể nào loại trừ được sự cố xảy ra như vừa qua. Cơ quan điều tra cần phải làm rõ tại sao hóa chất có mặt trong vật liệu sử dụng y tế" - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bày tỏ.

Bệnh nhân trong vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình Ảnh: Khánh Anh

Trẻ đột nhiên mắc sùi mào gà ở Hưng Yên Ảnh: Khánh Anh

Thờ ơ, tắc trách

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, nhận định trong vụ việc hàng chục trẻ mắc sùi mào gà, rõ ràng y sĩ đã hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép. Dù chưa khẳng định nguyên nhân trẻ mắc bệnh có phải do y sĩ này hay không nhưng rõ ràng, khi bé trai nào cũng bị bà Hiền "đè" ra chữa hẹp bao quy đầu là hành vi trục lợi, kiếm tiền trên sức khỏe của người bệnh bởi không phải trường hợp nào cũng cần phải làm vậy.

Trong khi đó, chính quyền địa phương lại quá thờ ơ, thậm chí coi việc phòng khám của y sĩ Hiền tồn tại, KCB cho người dân là chuyện bình thường. "Chính sự xuề xòa đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Dù chỉ là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng qua sự việc này, tôi cho rằng cần tăng cường truyền thông trực tiếp đến người dân để họ hiểu, tự bảo vệ sức khỏe của mình và người thân" - ông Quang đề xuất.

Theo PGS-TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, sự cố hàng chục trẻ mắc sùi mào gà ở Hưng Yên còn là hậu quả từ việc thiếu hiểu biết của người dân về vấn đề chăm sóc sức khỏe. Ở làng quê, nhiều người "động tí ốm đau là tiêm với truyền", trong khi hiểu biết của họ về những nguy cơ do tiêm, truyền còn hạn chế. Thậm chí ở nhiều nơi, người dân không quan tâm đến việc KCB ở đâu, như thế nào; chỉ cần người điều trị có chút chuyên môn y khoa hoặc làm ở một cơ sở y tế nào đó là họ có thể tin tưởng và phó mặc sức khỏe, tính mạng của mình. Nhiều người không quan tâm đến chức danh, không hiểu được sự khác nhau giữa bác sĩ và y sĩ…

"Chính quyền địa phương phải quản lý, kiểm tra. Sự cố y khoa ở Hưng Yên hay ở Hòa Bình khiến nhiều gia đình và người bệnh đang phải gánh chịu hậu quả mà nguyên nhân đều là sự tắc trách, thờ ơ của một số cá nhân" - PGS Lương nhận định.

Bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số, cho rằng nhiều người dân không phải mù quáng hay dễ bị lừa. Tuy nhiên, khi có nhu cầu KCB mà lại thiếu thông tin cần thiết thì họ sẽ nghe theo người thân, bạn bè… "Hiện nay, thông tin rất đa dạng nhưng lại tập trung đưa theo sở thích, theo các vụ việc nóng của mạng xã hội; còn thông tin hữu ích, cần cho đời sống lại không nhiều. Vì thế, người dân dù sống trong "biển thông tin" nhưng lại hoàn toàn không biết "bơi" nếu gặp vấn đề khó xử" - bác sĩ Thiên ví von.

Càng kỹ càng tránh sự cố

Theo ông Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, muốn hạ chế sự cố ý khoa phải kỹ từ 3 bên. Điều đâu tiên là ở phía bệnh nhân, người bệnh phải thông báo cho bác sĩ đúng các triệu chứng, tiền sử bệnh, các di ứng nếu có. Khi điều trị phải kiểm tra kỹ đúng họ tên, tuổi, khoa, số giường và đối chiếu với toa thuốc, phiếu xét nghiệm, phiếu thủ thuật, phiếu gây mê, phiếu truyền máu để đảm bảo đúng người, đúng bệnh. Về phía bác sĩ, việc điều trị trước hết phải đúng phác đồ, đúng quy trình, phải thông báo bệnh tình và dự kiến những khả năng tiến triển của bệnh cho người nhà. Khi điều trị, bác sĩ phải cẩn thận đối chiếu đúng bệnh nhân, đúng chỉ định, đúng bộ phận cơ thể cần can thiệp… Bác sĩ càng kỹ thì càng tránh được thiếu sót, do đó khuyến khích sử dụng checklist (danh sách công việc) trong chuẩn bị và thực hiện thủ thuật. Điều nữa là tuân thủ đúng và chặt chẽ quy trình vô khuẩn.

Về phía bệnh viện có trách nhiệm ban hành đầy đủ và phù hợp với điều kiện của bệnh viện với các phác đồ điều trị, quy trình thủ thuật, phẫu thuật; trang bị đầy đủ các thuốc, trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển cho cấp cứu. Để xử lý tình huống tốt, bệnh viện nên thường xuyên tổ chức diễn tập các tình huống cấp cứu tối khẩn cấp. Bên cạnh đó, phát huy đầy đủ chức năng của hội đồng thuốc và điều trị trong việc giám sát tuân thủ phác đồ và quy trình. Một việc quan trọng nữa là bênh viện phải ban hành quy chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hồ sơ bệnh án, thông tin thuốc, thông tin bệnh nhân cũng là một cách hạn chế thiếu sót trong quá trình điều trị, truy vấn thông tin bệnh nhân.

Sai một li đi một dặm

GS-TSKH Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nhìn nhận tai biến y khoa có thể do nguyên nhân khách quan song cũng có nguyên nhân chủ quan từ nhân viên y tế. Tuy nhiên, dù với bất kỳ lý do gì thì khi để xảy ra sai sót, thầy thuốc vẫn là người đáng trách. Bởi lẽ, nếu cẩn trọng, thầy thuốc có thể ngăn ngừa hầu hết căn nguyên gây sai sót.

GS Khải nhớ lại: "Tôi cũng có nhiều lúc do sơ sót, do quá tự tin vào bản thân mà khi thăm khám bệnh đã bỏ qua nhiều dấu hiệu quan trọng dẫn tới chẩn đoán nhầm. Đôi khi do quá tin tưởng vào đồng nghiệp và không kiểm tra lại, dẫn tới một người sai kéo theo cả quy trình "gặp lỗi"... Nếu đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân khi không may bị cắt chân, mổ nhầm, phải chịu tổn hại lớn về sức khỏe và tinh thần do sơ suất của nhân viên y tế, khi đó thầy thuốc sẽ ứng xử ra sao, có đau đớn, uất ức không? Bệnh nhân cũng vậy. Cho nên, bất kể ngành nghề nào, sự tắc trách đều khó chấp nhận, riêng đối với ngành y thì càng không thể chấp nhận bởi sai một li đi một dặm. Đằng sau sự bất cẩn, sai sót, tắc trách là sinh mạng của con người".

Tập trung xử lý lỗi hệ thống

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về tai biến y khoa. Nếu xử lý trực tiếp từng cá nhân liên quan đến các vụ việc thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề mà phải tập trung vào những lỗi hệ thống để có thể ngăn ngừa được tai biến y khoa, đó là vấn đề về chuyên môn, thiết bị kỹ thuật….

"Cần phải có sự cởi mở, công khai sai sót y khoa để khắc phục. Ai cố ý vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh, xử phạt hợp lý. Bộ Y tế đang xây dựng thông tư hướng dẫn về báo cáo sự cố y khoa, trong đó quy định sự cố nào bắt buộc phải báo cáo, từ đó phân tích tìm nguyên nhân để đưa ra khuyến cáo kịp thời cho các đơn vị. Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đưa việc báo cáo về tai biến y khoa và an toàn người bệnh là một chỉ tiêu "cứng" trong báo cáo kiểm tra bệnh viện mỗi 6 tháng và hằng năm. Bộ Y tế cũng khuyến khích các bệnh viện chủ động báo cáo và có giải pháp kịp thời khắc phục ngay sự cố y khoa; đồng thời phải tuân thủ và tích cực khắc phục sự cố y khoa" - ông Khoa cho biết.

70% do lỗi hệ thống

Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng Hội y học Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết ở các nước phát triển như Mỹ, số nạn nhân tử vong do sự cố y khoa là 44.000 - 98.000 người/năm, Úc 18.000 và Canada khoảng 15.000 người... Như vậy, tử vong do sự cố y khoa là vấn đề toàn cầu. Đến nay, không có các số liệu đầy đủ từ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhưng con số này khó thể ở mức thấp.

"Theo thống kê, 70% sự cố y khoa là do lỗi hệ thống và tình trạng này có thể giảm một nửa nếu áp dụng chặt chẽ các quy chuẩn về an toàn người bệnh. Để giảm thiểu lỗi hệ thống, cần công khai và minh bạch sự cố y khoa theo quy định. Thầy thuốc và cơ sở y tế cần ý thức được trách nhiệm cứu chữa người bệnh tận tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các cấp quản lý về y tế cần có những hỗ trợ về mặt tâm lý cho những người liên quan đến sự cố y khoa. Trước những sai sót y khoa cũng rất cần một thái độ đúng mực, tôn trọng với người thầy thuốc, bởi sự cố đó có thể đến từ những yếu tố khách quan hoặc chính những lỗi hệ thống" - ông Sơn nhận xét.

Ngọc Dung - Kỳ Nam

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ngan-su-co-y-khoa-gay-hoa-20170722201249177.htm