Ngân sách tăng thu từ đất: Nỗi lo nợ công

Khi thu ngân sách thiếu bền vững, lại cứ vung tay quá trán thì khả năng đi vay là không tránh khỏi, nguy cơ mất cân đối nợ công phải tính đến.

Gánh nặng nợ nần

Theo báo cáo của Bộ Tài chính mới đây, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 tăng khá cao so với dự toán và chủ yếu tăng thu từ đất. Cụ thể, số thu tiền sử dụng đất tăng đến 97,5% so với dự toán.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích, bên cạnh từ đất thì chủ yếu tăng thu do cơ chế, điều chỉnh chính sách như thu cổ tức, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ tại doanh nghiệp.

Điều này cho thấy số tăng thu ngân sách chưa thực sự xuất phát từ năng lực nội tại trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Thu tiền sử dụng đất năm 2016 tăng 97,5% so dự toán. Ảnh: VnEconomy

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính đồng quan điểm với đánh giá của Ủy ban Tài chính-Ngân sách.

Cụ thể, nhìn vào tổng thu NSNN năm 2016 phải ghi nhận nỗ lực của Bộ Tài chính khi hoàn thành vượt mức kế hoạch thu NSNN, từ đó góp phần giảm bội chi của ngân sách.

Tuy nhiên, nguồn thu NSNN chỉ thực sự bền vững nếu xuất phát từ việc tăng thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN)... bởi đó là cơ sở để biết nền sản xuất của Việt Nam phát triển.

Trong khi đó, nguồn thu của NSNN 2016 như báo cáo của Bộ Tài chính không xuất phát từ những yếu tố trên mà chủ yếu nhờ tăng thu từ đất. Đó là nguồn thu có tính ổn định không cao và không bền vững.

"Trong một khoảng thời gian rất dài trước đây, tiền thu được từ thuế sử dụng đất không đạt yêu cầu. Nhưng năm 2016, Bộ Tài chính không những thu được thuế sử dụng đất từ các doanh nghiệp thuê đất mà còn thu được nợ của những năm trước. Đây là một nỗ lực, xuất phát từ những biện pháp tương đối cứng rắn của cơ quan thuế, chẳng hạn đình chỉ việc cấp quyền sử dụng đất mới, bêu tên... giúp cho hoạt động của thu thuế trong lĩnh vực này có chuyển biến mạnh mẽ.

Thế nhưng, nguồn thu từ đất không thể kéo dài và không phải là nguồn thu chính của nền kinh tế.

Trước mắt, nguồn thu trong năm 2017 từ thuế sử dụng đất chỉ theo kế hoạch, không thể vượt kế hoạch như năm ngoái. Đây chỉ là một số cố định, không thể gia tăng vì đất đai có hạn. Còn muốn tăng thuế sử dụng đất thì phải được Quốc hội thông qua, cơ quan nhà nước xét duyệt và nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Chính vì thế, việc tăng nguồn thu từ đất sẽ chỉ có thể ở một giới hạn và để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nguồn thu ngân sách phải trông vào thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN.

Khi nguồn thu từ các loại thuế này tăng, nó sẽ phản ánh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, giao lưu hàng hóa đang phát triển và có giá trị gia tăng thực.

Nếu có nguồn thu tăng thêm từ thuế thu nhập cao của thuế TNCN thì càng đáng mừng vì càng thu được nhiều thuế thu nhập cao có nghĩa người thu nhập cao càng tăng lên", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Trong khi thu ngân sách thiếu bền vững thì chi ngân sách lại rất bền vững, bởi rất khó cắt giảm do chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, vị chuyên gia chỉ rõ.

Ngay cả đối với chi đầu tư, PGS Thịnh cũng phải thốt lên rằng "rất xót xa" khi chứng kiến nhiều dự án quẳng đi vài ngàn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng như không.

"Khi nguồn thu ngân sách bấp bênh mà cứ vung tay quá trán thì thâm hụt ngân sách nhà nước hàng năm sẽ tiếp tục lớn lên. Khi ấy chắc chắn phải đi vay, nợ công tăng lên.

Trong khi đó, nợ công của Việt Nam hiện nay đã chạm ngưỡng nguy hiểm, nếu tiếp tục đi vay thêm, nợ công sẽ mất cân đối trong tương lai không xa", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.

Khéo ăn thì no...

Vị chuyên gia nhận xét, việc mở rộng nguồn thu rất quan trọng và căn cơ với nền kinh tế, tuy nhiên để tăng nguồn thu lên không dễ dàng chút nào, nhất là trong điều kiện các loại thuế của Việt Nam, kể cả thuế xuất nhập khẩu lẫn thuế TNDN... đều mong muốn hạ thấp tỷ suất.

"Nói đến nguồn thu, không phải bằng mọi cách tăng thu của doanh nghiệp. Bất kể loại thuế, phí nào khi ra đời đều phải được Quốc hội thông qua.

Nếu doanh nghiệp bị tăng thêm thuế, phí ở khâu nào thì cứ phản ánh và về nguyên tắc, cơ quan thuế phải giải trình một cách công bằng, công khai.

Cơ quan quản lý nên thực hiện việc tự khai, tự tính và các vấn đề có liên quan đến thuế, phí phải được thực hiện qua hệ thống internet để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, không gặp mặt trực tiếp giữa người quản lý thuế với người kê khai và đóng thuế để giảm thiểu sự vòi vĩnh của những cán bộ không có đạo đức nghề nghiệp", ông Thịnh lưu ý.

Điều quan trọng nhất, để tăng nguồn thu, theo ông, chủ yếu vẫn là đẩy mạnh hoạt động sản xuất hàng hóa, tiêu dùng, làm cho nền kinh tế hoạt động trôi chảy.

"Nhưng như đã nói, để có nguồn thu lớn rất khó. Cách đơn giản nhất là tiết kiệm chi tiêu. Phải kiểm tra, giám sát và cố gắng cắt giảm tối đa chi tiêu thường xuyên của NSNN.

Đối với hoạt động đầu tư, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định đầu tư các dự án sử dụng ngân sách, chỉ xây dựng dự án nào cần thiết.

Kiểm tra dự án đang thực thi, tránh dàn trải, hình thức. Cắt giảm tối đa khoản chi cho các dự án xây dựng công sở, dự án không phục vụ mục tiêu tăng kinh tế, xã hội", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Ông kết luận: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Nếu không tính toán nguồn thu, không khống chế cách chi tiêu, không kìm giữ ham muốn vung tay quá trán, dứt khoát không bao giờ có thể có đủ nguồn lực để chi tiêu".

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ngan-sach-tang-thu-tu-dat-noi-lo-no-cong-3335566/