Ngân sách phân bổ giảm, TP HCM tính thế nào?

Làm thế nào để vẫn đạt được các mục tiêu phát triển mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X đã đề ra trong điều kiện tỉ lệ ngân sách TP được giữ lại bị cắt giảm từ 23% xuống còn 18% trong giai đoạn 2017-2020? Đây là vấn đề người dân TP đang rất quan tâm.

Ưu tiên chống ngập, kẹt xe

Giải quyết được những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng để chống ngập nước và kẹt xe thì TP HCM mới mong tăng tốc như yêu cầu đặt ra

Kẹt xe và ngập nước nếu không được giải quyết thì TP HCM khó bảo đảm mục tiêu phát triển đã đề ra. Ảnh: hoàng Triều

Ngày 15-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, khẳng định TP sẽ ưu tiên vốn cho các công trình cấp bách nhằm chống ngập, chống kẹt xe và chỉnh trang đô thị.

Lên kế hoạch ứng phó

Để giảm ngập một cách căn cơ, TP hiện đang thực hiện 2 quy hoạch chống ngập lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020. Song song đó, TP sẽ đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình kiểm soát triều thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM. Trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, TP HCM cần 97.298 tỉ đồng để thực hiện 2 quy hoạch chống ngập này.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (TTCN), việc TP bị giảm tỉ lệ ngân sách được giữ lại tuy vừa được thông qua nhưng việc này đã được TP lường trước và chỉ đạo lên kế hoạch ứng phó. Cụ thể, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước TTCN, cho hay các dự án chống ngập ở TP lên kế hoạch từ năm 2015 được các sở, ngành góp ý và trình TP, sau đó các bộ, ngành góp ý một lần nữa rồi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được thông qua. Do đó, trong điều kiện ngân ngân sách bị cắt giảm thì các dự án chống ngập được bố trí từ nguồn vốn ngân sách đang được TP tính lại thứ tự ưu tiên của từng dự án. Việc tính toán này hết sức kỹ lưỡng và khoa học.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng Phòng Kế hoạch Đầu tư Sở Giao thông Vận tải TP, cho biết sở đã tham mưu cho TP có sắp xếp thứ tự theo các nhóm, các hạng mục ưu tiên để phù hợp với ngân sách khi bị giảm. Theo đó, sở đang cùng với một đơn vị tư vấn sắp xếp lại thứ tự ưu tiên nói trên. Đơn vị tư vấn sẽ tư vấn việc sắp xếp nguồn vốn, trình tự danh mục công trình, cách huy động các nguồn vốn. “Chúng ta không thể vì ngân sách giảm mà các dự án giao thông cần thiết phải dừng lại. Thay vào đó, chúng ta sẽ linh động tìm kiếm nguồn vốn khác bù cho nguồn vốn thiếu hụt” - ông Toàn cho biết. Cũng theo ông Toàn, mặc dù có những dự án đã được TP thông qua rồi nhưng xét lại chưa cấp thiết thì sở sẽ đề nghị cắt giảm hoặc chuyển qua giai đoạn sau.

Kẹt xe và ngập nước nếu không được giải quyết thì TP HCM khó bảo đảm mục tiêu phát triển đã đề ra. Ảnh: hoàng Triều

Nhiều cách tiết kiệm và kiếm tiền

TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM), cho rằng đã đến lúc TP phải có cơ chế mới và mạnh dạn xóa bỏ bao cấp trong chống ngập như các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục… đã thực hiện và đem lại hiệu quả. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN)phát triển hạ tầng đô thị vẫn có tâm lý ỷ lại, mặc sức thực hiện dự án mà không có trách nhiệm với cộng đồng. Một số nước trên thế giới đã ràng buộc trách nhiệm và thu phí đối với các dự án phát triển đô thị. Điều này được xác định qua đánh giá ảnh hưởng của dự án đó đối với dòng chảy, độ thấm nước của khu vực thực hiện dự án.

TS Hồ Long Phi cho biết kinh nghiệm huy động nguồn vốn chống ngập ở các nước phát triển được thực hiện theo 2 cách. Cách thứ nhất là, đánh thuế hạ tầng đô thị, theo đó những ngôi nhà có diện tích lớn, nằm ở đường trung tâm sẽ bị đánh thuế cao hơn nhà nhỏ, ở trong hẻm. Cách thứ hai là, yêu cầu những ngôi nhà mới xây dựng phải tự giải quyết được nguồn nước mưa do việc xây nhà gây ra, có thể là hồ chứa, bể chứa ngầm hoặc lộ thiên, tùy theo hoàn cảnh của từng căn nhà. Mở rộng ra, các dự án phát triển nhà ở không được tạo ra gánh nặng về giao thông, ngập nước cho cộng đồng và phải giải quyết nguồn nước do họ tạo ra. Những nguồn vốn này sẽ được nộp vào ngân sách để dùng cho chống ngập. Nguồn ngân sách này không chỉ chi trả cho các công trình mà sẽ là nguồn vốn mồi cho các DN, nhà đầu tư “nhảy” vào thực hiện các dự án chống ngập vì họ có nguồn vốn bảo đảm.

Chuyên gia giao thông TS Phạm Sanh đưa ra giải pháp TP phải chú trọng đến việc đầu tư cơ bản sao cho phù hợp. Hiện nay, quy hoạch giao thông đang có vấn đề nên TP cần phải xem xét lại, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí. Nguồn vốn bị cắt giảm nhưng nguồn thu của ngân sách TP vẫn còn nhiều, nếu biết chi tiêu thì có thể sắp xếp được. Bởi ngoài nguồn vốn ngân sách ra, TP vẫn còn nhiều nguồn khác và quan trọng hơn là phải kiểm soát được nguồn chi.

Cũng theo TS Phạm Sanh, TP không nên “lún sâu” vào việc đầu tư những dự án lớn, thay vào đó nên ưu tiên các dự án nhỏ có thể phát huy tác dụng tức thời. “Việc bỏ tiền cho các quận lát đá vỉa hè rồi để người dân lấn chiếm buôn bán là sự lãng phí mà TP cần xem xét lại” - TS Phạm Sanh dẫn chứng và so sánh: Giảm 5% là con số cụ thể còn lãng phí là con số trừu tượng. Vì vậy, tiết kiệm được số tiền lãng phí thì TP sẽ bù đắp được phần nào số tiền ngân sách bị tiết giảm.

Tiết giảm chi tiêu hành chính

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP HCM, cho biết TP đang gấp rút nghiên cứu để tiết giảm chi tiêu hành chính, đồng thời quản lý thật tốt đầu tư công.

Trong đầu tư công phải tiết kiệm thời gian, tiến độ, tiết kiệm chi phí kết hợp hài hòa đồng bộ giữa cái triển khai thi công, giải pháp mua sắm trang thiết bị; triển khai giám sát công trình, giám sát cộng đồng, giám sát tư vấn, giám sát để không thất thoát lãng phí. Mặt khác, thủ tục giải ngân phải nhanh chóng, chủ đầu tư phải biết thủ tục giải ngân, cơ quan quản lý nhà nước phải tạo điều kiện giải ngân nhanh.

Khuyến khích chuyển đổi dự án từ công sang tư

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, hiện nay tổng vốn nhu cầu đầu tư công giai đoạn 2016-2020 theo báo cáo đã trình UBND TP là 217.259 tỉ đồng, phân loại theo 7 chương trình đột phá như sau: chương trình nâng cao nguồn nhân lực (tổng là 24.000 tỉ đồng với 441 dự án); chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP (251 dự án với nhu cầu là 37.262 tỉ đồng); chương trình cải cách hành chính (52 dự án với 4.277 tỉ đồng); chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông (404 dự án với 106.970 tỉ đồng) và chương trình giảm ngập nước (161 dự án hơn 30.000 tỉ đồng); chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị (19 dự án với 1.511 tỉ đồng). Còn các chương trình, dự án khác theo nguồn vốn phân cấp quận, huyện, nguồn phân cấp chung thu từ tiền sử dụng đất… là 245 dự án với 20.830 tỉ đồng.

Tuy nhiên, căn cứ khả năng cân đối vốn ngân sách của TP trong giai đoạn 2016-2020, TP chỉ cân đối khoảng 130.000 tỉ đồng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu! Trong khi đó, nhu cầu cần bố trí vốn là 87.259 tỉ đồng. Thế nhưng, theo bà Hoa, Nghị quyết 7 ngày 21-4-2016 HĐND TP đã chấp thuận chủ trương cho TP là thông qua các chương trình, dự án đầu tư công và với nguyên tắc huy động vốn đến đâu bố trí đến đó. Tùy theo tình hình thực tế nếu có các thành phần kinh tế ngoài nhà nước quan tâm thì điều hành linh hoạt, chuyển đổi dự án, đã được thông qua chủ trương đầu tư bằng hình thức từ nguồn vốn ngân sách chuyển sang các hình thức đầu tư khác, không sử dụng vốn ngân sách như hình thức đối tác công tư, BT hoặc kích cầu…

Kỳ tới: Không chùn bước với chung cư cũ, nhà ven kênh!

SỸ ĐÔNG - THÀNH ĐỒNG - TRƯỜNG HOÀNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ngan-sach-phan-bo-giam-tp-hcm-tinh-the-nao-20161115232450608.htm