Ngân sách như một 'tấm chăn' nhỏ mà phải phủ ấm quá lớn

“Ngân sách như một “tấm chăn” nhỏ mà phải phủ ấm quá lớn nên lĩnh vực nào cũng chơi vơi, nhiều nhiệm vụ chi chưa bố trí đủ vốn – ĐBQH Hoàng Quang Hạm (Phú Thọ) ví von khi thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016.

“Liệu cơm gắp cá”

Ông cho rằng, Chính phủ như một "quản gia" trong một "gia đình nghèo khó" nên nhiều nhu cầu chi của các cấp có thẩm quyền trong một rừng nhu cầu chi theo nhu cầu của bộ, ngành đều là cấp bách cả. Nhất là trong điều kiện, quan niệm chỉ trông chờ vào “hộp sữa” ngân sách, chưa có tư duy đột phá để tăng thu bù chi”.

Do đó phải thực hiện nghiêm hai trụ cột của ngân sách là tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách, đưa phí thành giá tăng mức tự chủ của các đơn vị sự nghiệp để giảm chi ngân sách. Ông đề nghị Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiệm cận dần việc lập ngân sách theo kết quả đầu ra, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, xóa bỏ tình trạng kinh phí tìm nhiệm vụ…

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi

“Cái bánh” ngân sách của chúng ta ngày càng bé lại mà nhu cầu chi càng cao, đặc biệt vấn đề an sinh xã hội và hạ tầng cơ sở. Vậy làm sao phải cân đối giữa các địa phương, “liệu cơm gắp cá” – ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nêu quan điểm.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nhất trí với việc cơ cấu lại dự toán chi NSNN mà báo cáo thẩm tra đề cập. Tuy nhiên bà cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cụ thể vấn đề này để việc thực hiện đảm bảo khả thi. Bên cạnh đó, cần có không gian để các địa phương có quyền chủ động và giao nhiệm vụ cụ thể cho họ.

Đại biểu đề nghị luật hóa tất cả các cơ chế, chính sách để đảm bảo công khai, minh bạch trong thực hiện, tránh cơ chế “xin – cho”. Đối với chi thường xuyên, phải giải quyết triệt để quan điểm tiết kiệm, “thắt lưng buộc bụng” trong tình hình hiện nay khi thu ngân sách gặp khó khăn.

Nợ công tăng cao, thất thoát, lãng phí lớn

Trước đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã thẳng thắn nhìn vào sự thật nhưng không đưa ra số liệu bao nhiêu dự án đầu tư hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ?

Bao nhiêu dự án cần xem xét, đề nghị điều tra, truy tố, nguyên nhân và giải pháp xử lý là gì? Đại biểu chỉ ra 5 dự án là xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất đã làm tiêu tan trên 30.000 tỷ đồng.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) lại cho rằng, chi tăng cao trong nhiều năm trong khi tăng trưởng không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, tốc độ bội chi tăng nhanh nên khó khăn trong việc trả nợ.

Nguyên nhân là do chi ngân sách nhà nước vượt quá khả năng của nền kinh tế, chi đầu tư giảm, còn chi thường xuyên tăng lên. Nợ của doanh nghiệp nhà nước không có khả năng trả và trở thành “nợ xấu”, khiến Chính phủ phải trả, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế; rồi nợ BHXH, BHYT, quản lý vốn vay kém hiệu quả…

ĐBQH Phạm Phú Quốc (TP. Hồ Chí Minh) nhìn nhận trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn thu thuần của Việt Nam dựa phần nhiều vào tài nguyên nước, dầu thô thì Chính phủ phải nuôi dưỡng, tìm nguồn thu mới và giảm chi. Bên cạnh chương trình khởi nghiệp đang được Chính phủ đẩy mạnh, cũng cần khuyến khích thành lập những tập đoàn mang thương hiệu quốc gia với doanh thu, lợi nhuận lớn hơn GDP quốc gia. Chính số doanh nghiệp lớn này sẽ dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp trong nước phát triển tạo ra nguồn thu cho ngân sách.

Ngân sách phải là vốn “mồi”, đòn bẩy

“Ngân sách phải là nguồn vốn “mồi”, tạo động lực, đòn bẩy để phát triển. Trong thu hút vốn ODA cần tỉnh táo tránh rơi vào “bẫy” nợ nần, hay thu hút FDI cũng cần chọn lọc, tránh trả giá môi trường sau này. Chính quyền địa phương cũng cần siết chặt kỷ cương, tài chính ngân sách, xóa cơ chế xin-cho” – đại biểu bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, tài chính ngân sách phản ảnh thực trạng, sức khỏe của nền kinh tế; mặt khác chính sách tài chính góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh doanh, góp phần cải thiện kinh tế - xã hội.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách; rà soát lại chiến lược nợ công cũng như các chính sách về thuế theo đề án tái cơ cấu ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công. Bên cạnh đó từng bước tiến hành tái cơ cấu lại nợ công, đẩy mạnh nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài; tái cơ cấu kỳ hạn và lãi suất nợ công…

Q.Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ngan-sach-nhu-mot-tam-chan-nho-ma-phai-phu-am-qua-lon-415094/