Ngăn ngừa tai nạn giao thông, cần quyết liệt, đồng bộ hơn

Những tháng đầu năm, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm ở ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình TNGT lại có chiều hướng diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, như vụ tai nạn xảy ra ngày 18-3 trên cầu Rạch Miễu (Tiền Giang) giữa ô-tô khách 16 chỗ biển kiểm soát (BKS) 71B-004.39 và xe công-ten-nơ BKS 51C-627.79, làm ba người chết và năm người bị thương nặng; vụ tai nạn tại Km 620+300 trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh (địa phận huyện Như Xuân, Thanh Hóa) giữa xe ô-tô khách BKS 51B-170.93 và xe tải BKS 37C-140.89 làm một người chết và 13 người bị thương; gần đây nhất, ngày 21-3, tại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), xảy ra vụ tai nạn giữa xe máy BS 38N3-9951 và xe ô-tô BKS 38H-9036, khiến một cháu bé trên xe máy tử vong tại chỗ, người mẹ và cháu bé còn lại bị thương nặng.

Thực tế lại cho thấy, tình hình TNGT trên cả lĩnh vực đường bộ, đường sắt vẫn diễn biến khá phức tạp. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân do một bộ phận người dân chưa có ý thức chấp hành pháp luật ATGT, không ít chủ phương tiện, lái xe thiếu ý thức về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh vận tải, hoặc trình độ, kỹ năng điều khiển phương tiện còn yếu kém. Trong khi đó, hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn tồn tại các điểm đen tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Hệ thống chỉ dẫn giao thông trên nhiều tuyến đường bộ còn bất cập, không có gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính. Việc khắc phục tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè hành lang an toàn giao thông để tập kết vật liệu, nông, lâm sản, kinh doanh, trông giữ phương tiện trái phép trên mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa chuyển biến rất chậm…

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia kiến nghị, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ trung ương và địa phương, xử lý dứt điểm các điểm đen, vị trí mất ATGT. Trước thực tế, kinh phí phục vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT còn hạn chế, thiếu cơ chế để địa phương tạo và duy trì nguồn ngân sách cho công tác này, vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Tài chính một lần nữa xem xét cơ chế cho phép các địa phương giữ lại tiền phạt vi phạm Luật Giao thông, để có nguồn điều tiết cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; giải tỏa hành lang an toàn giao thông và khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT;… Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, bổ sung chương trình đào tạo, nội dung sát hạch lý thuyết và thực tế đối với lái xe ô-tô kinh doanh vận tải; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, xây dựng văn hóa giao thông và đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hay những môi trường thông tin phù hợp nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ; phát huy sức mạnh của các đoàn thể, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp, đồng thời xây dựng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật dân tộc để tuyên truyền hiệu quả hơn về văn hóa giao thông.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/32385302-ngan-ngua-tai-nan-giao-thong-can-quyet-liet-dong-bo-hon.html