Ngăn học viên trốn trại cai nghiện cách nào?

Liên tiếp từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11, hàng trăm học viên tại một số cơ sở cai nghiện ma túy ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu có hành vi gây rối, trốn trại. Sự việc đã gây hoang mang cho người dân địa phương tại các địa bàn lân cận.

Tăng cường vai trò của xã hội trong công tác cai nghiện giúp giảm bức xúc của các đối tượng này. (Ảnh: Học viên được học nghề tại các cơ sở cai nghiện)

Tăng cường vai trò của xã hội trong công tác cai nghiện giúp giảm bức xúc của các đối tượng này. (Ảnh: Học viên được học nghề tại các cơ sở cai nghiện)

Mặc dù lực lượng chức năng đã nhanh chóng kiểm soát được tình hình, không để xảy ra vấn đề lớn, không xảy ra thương tích, tài sản thiệt hại chủ yếu là cơ sở vật chất ở trung tâm cai nghiện bị hỏng, song vấn đề đặt ra nguyên nhân nào khiến những học viên này cương quyết “phá rào” khỏi các cơ sở cai nghiện?

Điều kiện chật hẹp, môi trường kích động

Tối 25/9, 15 đối tượng xã hội đang điều trị cai nghiện tại phòng 3, khu C thuộc Trung tâm Cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai đã phá lưới B40, sau đó dùng quần áo, mùng mền nối thành dây, cột lên hàng rào để giật sập rào và trốn thoát.

Đêm 23/10, gần 600 học viên trốn khỏi Trung tâm Cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai (đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) ra ngoài, tụ tập đi ra QL1A, và đi về đến hướng TX Long Khánh, đến cây xăng Long Hoàng (thuộc xã Bảo Hòa) mới dừng lại. Một số học viên đã tiếp tục hô hào kích động, nằm ra giữa đường, một số học viên đã dùng gậy gộc, tuýtp sắt, mã tấu chặn các phương tiện để xin tiền. Sự việc gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trên quốc lộ 1A.

Khoảng 9 giờ ngày 6/11, khoảng 50 học viên (trong đó có một số học viên bị bệnh) đã đến gặp lãnh đạo Trung tâm Cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai bày tỏ nguyện vọng được về nhà, nhưng không được giải quyết nên đã dẫn đến tình trạng quậy phá, gây rối tại cơ sở.

Sau hai vụ gây rối xảy ra vào các ngày: 6 và 7/11, Công an huyện Xuân Lộc đã ra lệnh bắt khẩn cấp 23 đối tượng để tiếp tục điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Riêng vụ hơn 560 học viên trốn trại vào ngày 23/10, Công an huyện Xuân Lộc hiện cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng đối với Võ Đình Huân (31 tuổi, ngụ TX Long Khánh) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng và trộm cắp tài sản.

Sáng 9/11, có hơn 200 học viên tại Trung tâm Giáo dục lao động và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (đóng ở xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) đã trốn trại tràn ra ngoài.

Theo các cơ quan chức năng địa phương, một phần nguyên nhân là hiện trạng cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện đã xuống cấp, trong khi đó lượng người nghiện phát hiện và đưa vào cơ sở này ngày càng nhiều nên đã tạo áp lực cho công việc quản lý.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi cho rằng nguyên nhân một phần có thể do đầu tư vào các trung tâm cai nghiện của ta còn ít, điều kiện sinh hoạt còn hạn chế nên nhiều người muốn về nhà.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH còn nhận định, số lượng người cai nghiện tăng lên, tập trung tại một nơi thì dễ có xung đột, dễ xảy ra chuyện kích động nên quan trọng nhất là phải phân biệt đúng và phải quản chặt các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ gây kích động cao.

Bên cạnh đó, ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, các đối tượng học viên chủ yếu là sử dụng ma túy tổng hợp nên rất manh động; một số đối tượng còn chống đối không chấp hành nội quy, quy trình điều trị, cắt cơn… một số học viên chưa được sàng lọc nên đã dẫn đến tình trạng gò bó gây ức chế tâm lý.

Ngoài ra, một số học viên mới đưa vào đang trong tình trạng ngáo đá, chưa phải thuốc nên tâm lý cũng chưa ổn định, dễ bị lôi kéo.

Ở góc nhìn vĩ mô, lý giải về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, có thể xuất phát từ việc tuyên truyền giải thích chưa đến nơi đến chốn với các trường hợp kể trên. Khi vào đây các em nảy sinh tâm lý sợ phải ra tòa thì phải xử, đưa đi cai nghiện bắt buộc, sau đó lại phải tiếp tục giai đoạn sau cai nên dẫn đến hành động bột phát.

“Có thể giải thích của nhân viên, cán bộ chưa đến nơi đến chốn nên gây ra tâm lý của các học viên bức xúc. Việc này Bộ đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương rút kinh nghiệm nhưng rõ ràng tuyên truyền vận động chưa đến nơi đến chốn, động tác giải trình, tuyên truyền cho các em, phối hợp với gia đình chưa tốt” – ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Còn các học viên tại trung tâm dạy nghề tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân trốn trại là giữa các học viên có sự so bì với nhau vì không được tòa án giảm thời gian cai nghiện.

Hạn chế tập trung đông người nghiện tại một nơi

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần tuyên truyền để các học viên hiểu được mặt tích cực của việc cai nghiện tại trung tâm, yên tâm tiếp tục cai nghiện. Còn ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý cách thức quản lý các đối tượng cai nghiện phải cải thiện điều kiện sinh hoạt hết sức thoải mái, cởi mở để họ cảm thấy đó không phải chỗ nhốt mình mà đó là chỗ sinh hoạt để họ giao lưu với nhau, lao động với tính chất thoải mái để quên đi chất gây nghiện.

“Thực ra hiện nay ở ta, người nghiện được đối xử khá thoải mái. Người nghiện có thể tự nguyện cai nghiện, người nào không nơi nương tựa thì được Nhà nước hỗ trợ chứ không bị bắt buộc như trước đây. Mục tiêu hiện nay là làm sao hạn chế bớt bức xúc ngoài xã hội vì với các đối tượng này, cai nghiện được cho một người là rất khó khăn, cần đầu tư lớn và phải hết sức cẩn thận” – ông Lợi nói.

Theo ông Lợi: “Đối với người nghiện, con đường lâu dài vẫn là thực hiện xã hội hóa, gia đình phải có trách nhiệm. Quản người nghiện đã khó khăn rồi mà đây lại tập trung tất cả người nghiện vào thì quá nguy hiểm. Phải xã hội hóa đi, đối tượng nào có gia đình mà có điều kiện thì cho tự cai, Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ thì sẽ đỡ hơn”.

Chủ trì cuộc họp khẩn với tỉnh Đồng Nai để bàn giải pháp khắc phục sự cố ngay chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận “đây là trách nhiệm của Bộ nhưng cũng phải xem lại công tác quản lý của trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai khi liên tiếp để học viên gây rối, trốn trại. “Cần phải xem lại công tác quản lý. Gốc rễ ở đâu, quá tải hay áp dụng chưa đúng chủ trương?” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hồ Văn Lộc cho biết, cơ sở cai nghiện của tỉnh tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) có tới 1.481 học viên, tăng hơn 1.300 học viên so với thời điểm tháng 4/2016. Trong số các đối tượng được đưa vào trung tâm có đến 30% học viên từng có tiền án, tiền sự. Cùng với đó, tỷ lệ học viên mắc các chứng bệnh như HIV, lao, tâm thần… Con số này đã vượt quá khả năng quản lý của cơ sở chiếm khá cao khiến công tác chăm sóc, quản lý giáo dục gặp nhiều khó khăn. “Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người cai nghiện bỏ trốn, là do sự quá tải tại Trung tâm. Đồng thời các học viên xác định mình chỉ là người bệnh được đưa đi cai nghiện, chứ không phải tội phạm, dẫn đến tâm lý bị ức chế nên rủ nhau trốn ra ngoài”, ông Lộc nhận định.

Nhận định nguyên nhân sâu xa nhất với vấn đề xảy ra chính là tình trạng quá tải, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH yêu cầu tỉnh Đồng Nai trước mắt phải thuê ngay địa điểm mới có đủ điều kiện cơ sở vật chất do ngành LĐTB&XH trực tiếp quản lý trong lúc chờ đợi xây dựng cơ sở mới. Tỉnh Đồng Nai cần quy hoạch xây dựng một cơ sở đáp ứng nhu cầu cai nghiện ngắn với phục hồi chức năng, tạo điều kiện việc làm để sau khi ra trại không xảy ra tình trạng tương tự.

Cùng với nguyên nhân do cơ sở vật chất hạn hẹp, tình trạng thiếu nhân sự, còn do học viên sử dụng ma túy đá... Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết, trước mắt tỉnh sẽ thành lập hội đồng để rà soát nhằm xác định trong số hơn 1.400 học viên, ai có người bảo lãnh sẽ cho về để giảm tải cho cơ sở cai nghiện... Đồng tình với giải pháp này, Bộ trưởng lưu ý mục đích hết sức nhân đạo là đưa các em vào điều trị, giúp cắt cơn sau đó thực hiện các quy định pháp luật.

Thời gian tới cần tập trung xử lý sàng lọc. Những học viên có cơ sở, có gia đình ở địa phương và có người bảo lãnh khẩn trương đưa về cai nghiện tại cộng đồng. Những học viên có sử dụng ma túy nhưng chưa nghiện khẩn trương đưa ra khỏi trung tâm. Đối với số học viên nghiện nặng có tiền án, tiền sự, có nguy cơ thường xuyên gây gổ kích động, lôi kéo cần đưa ra một nơi riêng.

Để tìm hướng giải quyết cũng như biện pháp khắc phục tình hình, tỉnh Đồng Nai đã có giải pháp tạm thời sửa chữa các phòng ở nhằm ổn định việc quản lý học viên. Giải pháp dài hạn cũng đã được đưa ra, trong đó chủ yếu là đầu tư kinh phí để sửa chữa và xây mới cơ sở này để giảm bớt tình trạng quá tải về chỗ ở của các học viên. Sau vụ việc này tỉnh cấp ngay 3 tỷ đồng, chỉ định thầu để xây mới 10 phòng ở cho các học viên, trước đó tỉnh cũng đã bố trí 15 tỷ đồng để sửa chữa trung tâm cai nghiện này.

Ngày 7/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1995/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, cai nghiện trong các cơ sở cai nghiện ma túy nêu rõ, để công tác quản lý người nghiện và cai nghiện ma túy trên cả nước đạt hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ LĐTB&XH phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan thực hiện quản lý chặt chẽ học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn.

2. UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016, Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 10/10/2016 về việc rà soát, phân loại người nghiện ma túy khi tiếp nhận vào cơ sở cai nghiện; tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở cai nghiện; hoàn thành việc chuyển đổi các cơ sở cai nghiện ma túy trên toàn quốc theo Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ trước ngày 31/12/2016, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

3. Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương thực hiện tốt việc xác định nơi cư trú của người nghiện ma túy, nhất là người không có nơi cư trú ổn định; phối hợp chặt chẽ với ngành LĐTB&XH tăng cường, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực có cơ sở cai nghiện ma túy; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.

4. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH tiếp tục rà soát những quy định của pháp luật trong việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cai nghiện ma túy.

Duy Linh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/ngan-hoc-vien-tron-trai-cai-nghien-cach-nao-304869.html