Ngân hàng "thua lỗ thì nhập lại, không cho phá sản"

Ở Việt Nam DNNN thua lỗ triền miên nhiều năm thì nhà nước chưa cho phá sản. Còn ngân hàng thương mại cổ phần thì nhà nước lại chọn cách nhập lại những ngân hàng yếu kém với nhau, chứ cũng không cho phá sản.

Tuần Việt Nam phỏng vấn TS Khoa học Võ Đại Lược, chuyên gia về kinh tế về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2014.

Ông có nhận xét như thế nào về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2014?

Tôi cho rằng có một số điểm sáng:

Kinh tế vĩ mô ổn định, biểu hiện qua một số chỉ số như lạm phát thấp (1,38%), xuất nhập khẩu tương đối cân bằng, dự trữ đô la tăng lên, tỷ giá xem như tương đối ổn định, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng tương đối (11%), chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức 5,8%, cao hơn năm trước...

Tuy nhiên, ngay trong những điểm sáng ấy cũng có những điểm phải bàn luận thêm. Ví dụ như lạm phát thấp, 1,38%.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng lạm phát quá thấp như vậy có thể do nhu cầu về đầu tư và tiêu dùng suy giảm.

Trong khi đó, trong chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước muốn dư nợ tín dụng phải tăng ít nhất là 12%/năm, nhưng khổ cái là không có cách nào đưa tiền ra và 6 tháng đầu năm chỉ tăng được 2,3%, phần lớn số tiền tiết kiệm của dân tới 80-90% lại được nhà nước hút vào qua công trái, nghĩa là khu vực doanh nghiệp kém khả năng hấp thụ vốn.

Hơn nữa, hiện nay nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn tăng trưởng bằng tiền, chứ chưa thấy có sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng, do vậy tín dụng tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chung. Điều này nếu không được khắc phục, nền kinh tế có nguy cơ còn gặp khó khăn hơn.

Những biểu hiện nào của nền kinh tế nửa năm qua khiến ông có suy nghĩ như vậy?

Thứ nhất, doanh nghiệp vẫn tiếp tục dừng hoạt động hoặc phá sản. Theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư) có tới 33.434 doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm, vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Thứ hai là tồn kho vẫn tăng, vẫn đạt trên 12%. Thứ ba, nợ xấu vẫn chưa được xử lý hữu hiệu. Đó là những biểu hiện đáng lo ngại.

"Hiện nay nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn tăng trưởng bằng tiền, chứ chưa thấy có sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng"

Điểm thứ hai tôi muốn nói là sự ổn định của tỷ giá.

Phải nói một cách công bằng rằng đồng bạc Việt Nam chưa được định giá phù hợp. Bởi mức lạm phát trong vòng 7 năm nay lúc nào cũng cao, nếu cộng dồn mức lạm phát này vào khoảng 70% (theo một số chuyên gia ước tính), trong khi đồng USD là ổn định vì lạm phát ở Mỹ luôn ở mức rất thấp.

Như vậy, sẽ gây ảnh hưởng phần nào tới các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như là gạo, thủy hải sản và làm giảm lợi ích của nông dân - người sản xuất các mặt hàng xuất khẩu này.

Thường thì người ta nói thiệt cho xuất khẩu thì có lợi cho nhập khẩu?

Như nhiều diễn đàn đã nhắc tới, khi mở cửa cho nhập khẩu, hàng hóa rẻ sẽ bóp nghẹt sản xuất trong nước. Và bao năm nay Việt Nam không phát triển được công nghiệp phụ trợ, vì các sản phẩm này có thể mua ở nước ngoài vào rẻ hơn, nhất là từ Trung Quốc và ASEAN. Và, nói chung, các ngành công nghiệp nội địa của Việt Nam đều bị ảnh hưởng.

Đáng ra, khi hàng rào thuế quan giảm xuống theo quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế, như gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hay các hiệp định thương mại tự do khác (FTA), đồng bạc phải thấp hơn giá thực tế, và đây chính là hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc họ đều làm như vậy.

Nguyên nhân nào khiến chúng ta vẫn duy trì chính sách này?

Thứ nhất, Việt Nam nợ nước ngoài nhiều... Hơn nữa nguồn cung USD ở Việt Nam tương đối cao do kiều hối tăng, FDI tăng v.v..

Thứ hai, tính từ năm 2007 đến nay lạm phát luôn ở mức cao, và người ta sợ các động thái kích hoạt lạm phát thêm. Nhưng thực ra, tỷ giá đấy là giá đối ngoại, còn lãi suất là giá đối nội, quan hệ giữa tỷ giá với lạm phát không theo một tỷ lệ tương ứng, nếu NHNN biết điều chỉnh phù hợp. Chẳng hạn năm 1998 Thái Lan và Malaysia phá giá đồng tiền tới 40% nhưng lạm phát chỉ là 16-17% thôi.

Có một thách thức là nếu vẫn duy trì chính sách như vậy e là càng hội nhập vào kinh tế thế giới, chẳng hạn với hiệp định tự do mậu dịch kiểu như TPP hay FTA với EU dự định ký trong năm nay, ta càng đối diện với nhiều thách thức. Bởi khi hàng rào thương mại mất đi mà Việt Nam lại không có hàng rào tỷ giá để thay thế nhằm bảo vệ và phát triển sản xuất trong nước.

Điểm thứ ba tôi muốn bàn là tình hình nợ xấu. Nợ xấu của Việt Nam được giảm bằng cách chuyển cho Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Có điều VAMC không có cách gì bán nợ xấu đi, nên trên thực tế là cục nợ xấu, hay cục máu đông, vẫn tồn tại.

Vấn đề là cục máu đông ấy là bao nhiêu thì cũng không rõ, bởi không mấy ngân hàng minh bạch về nợ xấu của mình. Nhưng nhìn vào sự đóng băng của thị trường bất động sản và hoạt động của khu vực DNNN người ta có thể hình dung ra nợ xấu.

Theo kinh nghiệm trên thế giới giải quyết nợ xấu chỉ có hai cách: thứ nhất cho phá sản những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, thứ hai nhà nước phải đứng ra giải quyết những khoản nợ xấu đó.

Ông nghĩ thế nào về chương trình cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong vòng 2 năm 2014-2015?

Tinh thần cổ phần hóa quyết liệt như Thủ tướng đề ra rất là tốt, rất tích cực. Nếu DNNN nào không làm thì Thủ tướng sẽ khiển trách, thậm chí kỷ luật lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện được là một việc khó, bởi vì cần cổ phần hóa hơn 432 doanh nghiệp trong vòng 730 ngày.

Những khó khăn trong cổ phần hóa, theo ông, gồm những gì?

Thị trường chứng khoán ở Việt Nam còn non trẻ. Hơn nữa, Việt Nam cổ phần hóa DNNN qua thị trường chứng khoán, mà nhiều DNNN định cổ phần hóa đang thua lỗ, nợ nần, thì làm sao mà bán được trên thị trường chứng khoán. Chỉ những DNNN có lãi thôi có thể bán được cổ phiếu.

Kinh nghiệm của Đức khi cổ phần hóa các DNNN thời hậu Đông Đức, nhiều nhà máy họ chỉ bán với giá 1 mark, nhưng không phải bán cho bất kỳ ai, mà chỉ những nhà quản lý giỏi, để làm sao sau đó nhà máy làm ăn có lãi, và nhà nước không phải bù lỗ nữa mà có thể thu thuế bù lại. Tức là cổ phần hóa phải lấy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp làm tiêu chí đầu tiên.

Và tiêu chí thứ hai, tỷ lệ cổ phần phải được bán ra ở cái mức đủ để thay đổi những người quản trị công ty, chứ không phải như hiện nay tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ vẫn rất cao để những người lãnh đạo công ty tiếp tục lãnh đạo.

Chương trình cổ phần hóa được xem là đột phá quan trọng nhất hiện nay trong chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, bởi vì tỷ trọng của DNNN trong nền kinh tế chiếm lớn nhất, là 28% GDP (nếu không kể ngân hàng thương mại quốc doanh), 34% GDP (nếu có các ngân hàng thương mại quốc doanh).

Xin cám ơn ông!

Huỳnh Phan (Thực hiện)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/184118/ngan-hang--thua-lo-thi-nhap-lai--khong-cho-pha-san-.html