Ngân hàng Thế giới cảnh báo nguy cơ "bong bóng" tài sản ở Châu Á

Trong báo cáo ngày 15.4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm nhẹ mức dự báo tăng trưởng tại khu vực kinh tế đang nổi lên ở Đông Á và cảnh báo về nguy cơ tăng trưởng quá nóng có thể xảy đến với các nền kinh tế lớn ở khu vực.

Chưa hết giảm phát lại lo tăng trưởng nóng

Trong báo cáo công bố hôm 15.4, WB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Á xuống 7,8% năm nay, thấp hơn dự báo 7,9% đưa ra tháng 12.2012. Tuy nhiên, con số này cao hơn so với tăng trưởng 7,5% năm 2012. Kinh tế Trung Quốc cũng được điều chỉnh ở mức tăng ước tính 8,3% trong năm 2013, giảm 0,1% so với dự báo trước đó. Kinh tế Indonesia cũng được giảm trừ từ 6,3% xuống 6,2% năm 2013 do tăng trưởng đầu tư chậm lại. Tuy nhiên, Thái Lan và Malaysia lại có dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan hơn.

WB cho rằng, các biện pháp kích cầu giúp tăng trưởng bền vững thì đến nay có thể sẽ phản tác dụng. Khi kinh tế thế giới phục hồi, một vấn đề khác lại nảy sinh, đó là nguy cơ tăng trưởng quá nóng ở một số nền kinh tế. WB cho rằng điều này sẽ gây sức ép lạm phát, tăng rủi ro tín dụng và bong bóng giá tài sản trong bối cảnh các dòng vốn lớn đang đổ vào khu vực Đông Á. Một số nước trong khu vực này (khu vực chiếm tới 40% tăng trưởng toàn cầu năm 2012) cần kiểm soát dòng vốn thông qua các biện pháp vĩ mô thích hợp đồng thời cần linh hoạt về vấn đề tỉ giá.

Theo WB, nỗ lực của Nhật Bản trong việc kích thích nền kinh tế thông qua việc nới lỏng tiền tệ có vẻ như mang lại tác động “tích cực” cho các nền kinh tế Châu Á đang phát triển như Thái Lan và Philippines, những cơ sở công nghiệp phụ trợ cho các nhà XK Nhật. Hôm 4.4, NH Nhật đã công bố chiến dịch nới lỏng tiền tệ bằng cách bơm 1,4 nghìn tỉ USD vào nền kinh tế trong 2 năm tới nhằm phá vỡ vòng xoáy giảm phát và chấm dứt thời kỳ đình trệ kinh tế suốt 2 thập kỷ qua. Động thái kích thích kinh tế chưa từng có tiền lệ này đã mang lại tác động tích cực, khiến đồng yen đã giảm giá thấp nhất so với đồng USD ở mức 1 USD = 99,95 yen hôm 11.4. Song WB cho rằng, việc giảm giá đồng yen sẽ tạo ra thách thức với các nền kinh tế Châu Á đã phát triển như Hàn Quốc- vốn đang cạnh tranh trực tiếp với Nhật tại nhiều thị trường XK.

"Bong bóng" tài sản, lạm phát

Theo WB, các nền kinh tế lớn hơn tại Đông Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippines có thể sẽ đạt giới hạn về năng lực sản xuất hiện tại, WB cho hay. Sức ép giá cả đang nổi lên ở Trung Quốc, dù tỉ lệ vẫn được duy trì dưới mục tiêu đặt ra là 3,5%. Tuy nhiên, lạm phát đang tăng nhanh tại Indonesia.

WB cũng đưa ra khuyến cáo về mức nợ công cao tại các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc. Trong lúc nợ chính phủ của Trung Quốc đang đứng ở mức 22,2% năm 2012, cao hơn so với mức 19,6% 5 năm trước, nợ DN phi tài chính đã vọt lên mức 126,4% GDP so với mức 113,6% năm 2007. Nợ hộ gia đình tương đương mức 29,2% GDP tại Trung Quốc, cao hơn 10% so với năm 2007 – WB cho hay. “Tổng mức nợ chính phủ, nợ DN phi tài chính và nợ hộ gia đình đã vượt quá mức 150% GDP tại Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc” – theo WB.

Hôm 15.4, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 7,7%, thấp hơn mức dự báo 8% và sụt giảm so với mức 7,9% đạt được trong quý IV năm 2012. Sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc cũng chỉ tăng yếu ớt. Tân Hoa xã dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, mặc dù có một khởi đầu khá suôn sẻ cho năm 2013, nền kinh tế Trung Quốc vẫn ở trong tình trạng phức tạp với sự bấp bênh của nền kinh tế cả trong và ngoài nước.

Những tín hiệu không mấy tích cực từ nền kinh tế thứ hai thế giới đã khiến các chỉ số CK Châu Á kéo nhau sụt giảm. Chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương giảm 0,6%, tương đương với mức giảm của Shanghai Composite. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật lao dốc gần 1,6%, trong lúc CK Australia giảm 1%. TTCK Hồng Kông cũng có một phiên đỏ sàn, đặc biệt là ở lĩnh vực CP NH và sản xuất nguyên liệu. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 1,79%, tương đương 256,86 điểm, xuống 14.599,20 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,30%, tương đương 36,49 điểm, xuống 1.552,36 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 7.10. Chỉ số Nasdaq giảm 2,38% với 78,46 điểm, kết thúc giao dịch tại 3.216,49 điểm.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/ngan-hang-the-gioi-canh-bao-nguy-co-bong-bong-tai-san-o-chau-a/111467.bld