Ngân hàng số - Tương lai tất yếu của ngành ngân hàng

Với vai trò là “bà đỡ” cho nền kinh tế và doanh nghiệp, các ngân hàng cần phải có bước đi nhanh hơn, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động và quản trị. Tuy nhiên, thách thức của việc áp dụng ngân hàng số cũng không hề nhỏ.

Các chuyên gia trình bày tại hội thảo. Ảnh: H.Dịu

Báo cáo thống kê tại Hội thảo thường niên khu vực ASEAN ngành Tài chính Ngân hàng năm 2016 với chủ đề “Ngân hàng số - Tương lai của ngành ngân hàng” do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) và Trường Bồi dưỡng Cán bộ Ngân hàng đồng tổ chức ngày 11-11 cho biết, đến năm 2018, các kênh kỹ thuật số sẽ đóng góp 44% vào doanh thu của ngành ngân hàng toàn thế giới, trong khi đó, năm 2014 mới chỉ có 32%. Hơn nữa, hiện có khoảng 56% người tiêu dùng chủ yếu tương tác với tài khoản tiết kiệm thông qua các kênh số hóa và sử dụng ngân hàng số trong năm 2016.

Nói về sự phát triển của ngân hàng số, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho hay, ngân hàng số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là vấn đề mới, mang tính thời sự nhưng đây là xu hướng tất yếu khách quan. Hiện đại hóa, ứng dụng CNTT, ứng dụng kỹ thuật số vừa là cơ hội, thách thức, vừa là động lực, vừa là yêu cầu đặt ra cho ngành ngân hàng. Điều này buộc các ngân hàng truyền thống phải xác định hướng đổi mới và phát triển sản phẩm theo xu hướng mới.

Ông Douglas Jackson, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương Tập đoàn Tư vấn quản trị Boston Consulting Group (BCG) cho rằng, các ngân hàng đang phải chịu nhiều điều kiện có lợi nhưng cũng là bắt buộc phải thay đổi tiến lên công nghệ số. Ví dụ như các mô hình cạnh tranh kiểu mới với việc áp dụng công nghệ mới, các ngân hàng sẽ đa dạng hóa được cơ cấu sản phẩm. Hay tại Việt Nam, các ngân hàng đang phải tiến lên chuẩn Basel II, yêu cầu về bảo mật, cập nhật cơ sở hạ tầng…. nên các ngân hàng phải tìm cách đưa công nghệ số vào hoạt động và quản trị.

Báo cáo tại hội thảo cũng cho biết, trong 2 năm trở lại đây, vấn đề an ninh an toàn thông tin của ngành ngân hàng đã trở nên cấp bách, nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra tại nhiều ngân hàng lớn trên thế giới. Loại hình tội phạm này đã khiến khoảng 17.000 người bị lừa đảo, ước tính thiệt hại khoảng 2,3 tỷ USD.

Ở Việt Nam, loại hình tội phạm này vẫn còn khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình trên thế giới. Tuy nhiên theo ông Phan Thái Dũng, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ tin học (NHNN) thì các tội phạm mạng trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng đa dạng và có nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường. Ngoài lừa đảo trực tuyến, các đối tượng tội phạm còn sử dụng một số thủ đoạn như thiết bị gắn vào ATM/POS hoặc cài phần mềm gián điệp, mã độc tấn công… Vì thế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang phải nỗ lực đổi mới và thắt chặt vấn đề này.

Đến nay, nhờ cố gắng và nỗ lực đầu tư, hệ thống các tổ chức tín dụng đã tiến lên áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế PCI DSS; 14 tổ chức tín dụng đang triển khai tiêu chuẩn ISO 27001 trong đó có 7 tổ chức tín dụng đã đạt chuẩn…

Về phía cơ quan quản lý, NHNN đã nghiên cứu và ban hành nhiều văn bản trong việc triển khai cung cấp dịch vụ, đảm bảo an toàn bảo mật. Từ năm 2014, NHNN đã ban hành 8 văn bản, 11 văn bản trong 2015 và 7 văn bản trong năm 2016 để cảnh báo các tổ chức tín dụng về an toàn bảo mật, trong đó có Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 25-7-2014 về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới.

Có thể thấy, ngân hàng số là xu thế tương lai của ngành ngân hàng với các dịch vụ e-banking, sms-banking… Tuy nhiên, để đảm bảo “tương lai” này bền vững, vấn đề an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng nhân lực điều hành và thực hiện là điều mà các ngân hàng cũng như cơ quan quản lý phải chú trọng.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngan-hang-so-tuong-lai-tat-yeu-cua-nganh-ngan-hang.aspx