Ngân hàng nước ngoài muốn tái cơ cấu OceanBank: Toan tính gì?

Ngân hàng nước ngoài muốn thật sự được làm chủ và có quyền quyết định các hoạt động khi tham gia tái cơ cấu OceanBank.

Sáng 20/7, tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, ông Bùi Huy Thọ - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng nhà nước cho biết, hiện đang có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng OceanBank.

Ông Thọ khẳng định, ngân hàng này đang thực hiện giai đoạn 2 trong quá trình soát xét, đánh giá mang tính toàn diện hoạt động của OceanBank.

Chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) đánh giá đây là quyết định có nhiều toan tính của ngân hàng nước ngoài.

Theo ông Thịnh, các ngân hàng nước ngoài khi có kế hoạch tái cơ cấu một ngân hàng nào đó của Việt Nam thì luôn nhìn vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt là nguồn vốn.

Ngân hàng ngoại muốn thật sự được làm chủ và có quyền quyết định khi tái cơ cấu OceanBank

“Hiện nay bản thân nguồn vốn của OceanBank đang có vấn đề. Nhưng ngân hàng này đang có hệ thống hệ cơ sở hạ tầng, các chi nhánh, mạng lưới và có liên quan tới các hoạt động kinh tế - xã hội khác. Đó là một trong những tác nhân rất quan trọng để các ngân hàng nước ngoài muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng OceanBank.

Các ngân hàng nước ngoài tin rằng khi đầu tư thêm vào OceanBank, họ có thể vực dậy và cho nó tham gia vào các hoạt động khác trong nền kinh tế Việt Nam một cách tốt nhất”, ông Thịnh nói.

Lý do thứ 2 ông Thịnh muốn đề cập đến đó là các ngân hàng ngoại muốn thật sự được làm chủ và có quyền quyết định khi tái cơ cấu OceanBank.

“Các ngân hàng ngoại rất muốn có thêm các mạng lưới, hệ thống các chi nhánh ở các địa phương cũng như nhân rộng ra để tham gia vào hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

Thực tế thời gian qua các ngân hàng nước ngoài đã bỏ vốn, góp vốn mua cổ phần, thậm chí là mua đến mức 15-20% các cổ phần của ngân hàng Việt Nam nhưng họ gần như không được tham gia vào hoạt động điều hành ngân hàng. Họ không thực sự được làm chủ các ngân hàng.

Bây giờ nếu nhà nước Việt Nam cho họ được phép kinh doanh ngân hàng thì việc góp vốn, tham gia điều hành quản lý theo đúng quy định của pháp luật sẽ thuận lợi hơn. Đó là điều mà họ mong mỏi”, ông Thịnh nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng với ngân hàng nhỏ như OceanBank thì việc doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến hệ thống chung của cả nước.

Tuy nhiên việc này nếu diễn ra thường xuyên và ở mức độ rộng hơn thì cũng cần phải hết sức lưu ý.

“Để các ngân hàng ngoại tham gia nhiều hơn vào hoạt động của những ngân hàng lớn hơn là bài toán khó khăn cần phải xem xét rất nghiêm túc, cụ thể. Ở thời điểm hiện tại, ngân hàng nước ngoài tham gia tái cơ cấu và nắm quyền chi phối các ngân hàng nội địa thì sẽ không tác động đáng kể. Nhưng về lâu dài phải có biện pháp quản lý, quy định rõ ràng”, ông Thịnh chia sẻ.

Hoàng Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ngan-hang-nuoc-ngoai-muon-tai-co-cau-oceanbank-toan-tinh-gi-3339569/