Ngân hàng lấy quyền lợi cổ đông giải nợ xấu

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2013, sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng để đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích.

-

Tại buổi họp báo ngày 27/12, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết một số định hướng mục tiêu các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2013. Theo đó, sẽ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến lạm phát và các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ và ngoại hối; hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đúng lộ trình đã đề ra, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Thống đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế; Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, có chọn lọc và tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Theo NHNN, định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2013 được xác định rõ: Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến lạm phát và các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ và ngoại hối; hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đúng lộ trình đã đề ra, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ đã được NHNN nêu cụ thể. Theo đó, sẽ điều hành linh hoạt và động bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng, các chỉ tiêu tiền tệ như tổng phương tiện thanh toán, tín dụng ở mức hợp lý và điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 8%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% theo chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.
Về giải pháp điều hành tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) để đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích; tiếp tục cho phép các TCTD tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thành toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay cho nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ.

Ngoài ra, NHNN sẽ điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế và cân đối vĩ mô; phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường ngoại tệ, vàng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết khắc phục tình trạng đô la hóa.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ được tăng cường; kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống, tránh rủi ro và giảm nợ xấu.

Năm 2013, các ngân hàng tiếp tục “gồng mình” xử lý nợ xấu

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến tháng 10 năm nay, con số nợ xấu là hơn 8,8%. Hiện các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 78.000 tỷ đồng, dự kiến năm nay khoản trích lập này sẽ đạt khoảng 90.000 tỷ đồng.
Thống đốc cũng cho hay, đến thời điểm này các ngân hàng đã xử lý được 39.000 tỷ đồng nợ xấu.
Theo người đứng đầu NHNN: “Đến giờ này nhiều ngân hàng không có thưởng vì họ đã trích lập dự phòng rủi ro rất nhiều, hay nói cách khác là họ lấy lợi nhuận của mình để bù đắp vào những khoản nợ xấu này. Năm nay có những ngân hàng đã tuyên bố không có thưởng và cũng không có thêm tháng lương nào cả. Còn những ngân hàng không chia cổ tức hoặc chia cổ tức thấp là phổ biến trong các ngân hàng. Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đã gồng mình xử lý nợ xấu bằng chính quyền lợi của các cổ đông và bằng chính quyền lợi của các ngân hàng thương mại”.
Cũng tại buổi họp báo, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết một số kết quả bước đầu việc xử lý các ngân hàng yếu kém và vấn đề xử lý nợ xấu. Theo ông Nghĩa: Sau 12 tháng triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD thì các ngân hàng được tái cơ cấu, kể cả các ngân hàng hợp nhất đều đã đảm bảo được khả năng chi trả, đảm bảo tài sản của người gửi tiền, đảm bảo an ninh trên địa bàn có ngân hàng hoạt động, đặc biệt là đã đảm bảo an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, NHNN xác định đây là những bước đi đầu tiên, các ngân hàng phải tiếp tục tái cấu trúc tài sản, quản trị và nợ xấu. Ông Nghĩa nhấn mạnh: Trong 11 tháng đầu năm 2012, các TCTD đã trích lập dự phòng rủi ro là 78,6 nghìn tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của hệ thống các TCTD trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tín dụng tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, trong năm 2012, phương pháp và hình thức thanh tra, giám sát đã có sự thay đổi quan trọng để qua đó có thể đánh giá một cách toàn diện và chính xác hơn thực trạng hoạt động của các TCTD.

Khổng Nhung

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/kinh-te/tai-chinh-ckhoan/25_495890/ngan_hang_lay_quyen_loi_co_dong_giai_no_xau.html