Ngân hàng không 'ngán' fintech

Cuộc cách mạng công nghệ số đang tạo ra nhiều đối thủ mới cho các ngân hàng, trong đó có các fintech (công ty công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính). Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, họ không coi fintech là “kẻ phá bĩnh” hay đối thủ của mình.

Fintech chưa phải là đối thủ của ngân hàng

Xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu, song các fintech ở Việt Nam phát triển rất nhanh chóng và đang chiếm giữ thị phần đáng kể ở lĩnh vực thanh toán điện tử. Rất nhiều fintech đã khẳng định được tên tuổi như: FPT Ventures, IDG Ventures, NexTTech Investment, M-Service, Fundstart, Loanvi.com, MyMoney.vn, 1pay… Song trái với suy nghĩ cho rằng, fintech là “kẻ phá bĩnh”, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho thấy, họ khá thoải mái với sự cạnh tranh của fintech.

“Ở thị trường Việt Nam, fintech chưa phải là đối thủ cạnh tranh của các ngân hàng. vì quy mô còn nhỏ, các lĩnh vực mà fintech đầu tư cũng là các lĩnh vực mà các ngân hàng đang áp dụng và có nhiều thế mạnh, nhất là thế mạnh về vốn, quy mô, mạng lưới”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank khẳng định.

Rất nhiều fintech đã khẳng định được tên tuổi tại thị trường Việt Nam.

Đồng tình với suy nghĩ này, Thiếu tướng Lê Công, Tổng giám đốc MBBank cũng cho rằng, không nên coi fintech là “kẻ phá bĩnh”. Trên thực tế, các ngân hàng có một “kho vàng” là hệ thống cơ sở dữ liệu và các fintech muốn phát triển thì phải dựa vào ngân hàng để có được dữ liệu này. “Nếu hai bên có thể hợp tác, kết hợp với nhau cùng chia sẻ, thì cũng là một hướng tốt”, ông Lê Công nói.

Trước đó, một số fintech cho rằng, họ đang bị ngân hàng “làm khó” bởi hiện các fintech có thể thay thế rất nhiều dịch vụ ngân hàng như tiền gửi, thanh toán, cho vay… Theo phân tích của các chuyên gia tài chính , có tới 70% dân số Việt Nam nằm ngoài tầm phủ sóng của các ngân hàng. Đây là điều kiện lý tưởng để fintech phát triển. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô, fintech lại gặp nhiều khó khăn, nhất là về huy động vốn đầu tư, mở rộng mạng lưới và niềm tin. Chính vì vậy, fintech ở nước ta dù phát triển nhanh, nhưng có quy mô còn khá nhỏ bé và chưa “dọa” được các nhà băng.

Mối đe dọa trong tương lai?

Do vẫn ở giai đoạn đầu phát triển, các fintech ở Việt Nam còn khá nhỏ bé về quy mô, chưa có khả năng đe dọa trực tiếp tới các ngân hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu vẫn tiếp tục giữ lối kinh doanh bảo thủ, ngân hàng sẽ phải dè chừng sự cạnh tranh từ các fintech không chỉ của trong nước, mà còn của quốc tế.

Ông Nghiêm Xuân Thành cũng thừa nhận, hiện nay, nhiều giao dịch được tính bằng giây, thay vì bằng ngày và giờ như trước. Do đó, ngân hàng nào chậm chân áp dụng công nghệ sẽ đứng trước nguy cơ mất thị phần vào tay fintech: “Hiện fintech chưa phải là đối thủ, song trong tương lai, sự cạnh tranh của fintech chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến thị phần các ngân hàng. Nếu ngân hàng nào chú trọng đầu tư công nghệ thì sẽ giữ vững thị phần, ngược lại thì sớm muộn cũng phải nhường miếng bánh thị phần cho các fintech”, ông Thành nói.

Đây cũng là lý do mà nhiều ngân hàng đang chạy đua để đầu tư cho công nghệ số. Tại Vietcombank, mỗi năm có 30 - 40 triệu USD được chi để đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ. Số lượng khách hàng sử dụng Internet Banking nhờ vậy cũng tăng trung bình 1 triệu khách/năm, riêng trong năm 2015 tăng tới 2 triệu khách. Một trường hợp khác là TPBank, cũng nhờ ứng dụng công nghệ số mà đã vượt qua khủng hoảng, vươn lên ngân hàng tầm trung và được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao.

Rõ ràng, công nghệ không chỉ đưa đến nhiều đối thủ mới cho các ngân hàng, mà còn khiến cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt. Ông Daniel Wu, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng châu Á cảnh báo, trước đây, hầu như mọi người dân phải đến chi nhánh ngân hàng để mở tài khoản, song với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các chi nhánh ngân hàng sẽ dần dần biến mất. Khi đó, lợi thế mạng lưới của nhiều ngân hàng sẽ không còn phát huy tác dụng, mà thay vào đó là lợi thế công nghệ.

“Với Internet, điện thoại di động thông minh, chúng ta đang dần có một thế hệ ngân hàng số mới. Các ngân hàng phải bắt kịp xu thế này”, ông Wu nói.

Dù vậy, theo các chuyên gia ngân hàng của Công ty E&Y, khi phát triển công nghệ số, các ngân hàng cũng phải lựa chọn lợi thế và phân khúc đầu tư phù hợp nhất với mình, không phải cứ đầu tư nhiều tiền là hiệu quả.

Hà Tâm

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/ngan-hang-khong-ngan-fintech-d55021.html