Ngân hàng ít cơ hội với tín dụng vi mô

Dù một số ngân hàng đã tích cực triển khai các gói vay với khách hàng cá nhân, nông hộ, nhưng ở thị trường này thị phần vẫn đang nghiêng về phía các Quỹ tín dụng (QTD) hoặc các tổ chức bán và phi ngân hàng.

Vay từ QTD dễ và ít phí

Ông Nguyễn Hữu My, Giám đốc QTD Tân Thuận Đông (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, khi xét cho vay đối với khách hàng là hộ cá nhân sử dụng vốn vay để chăn nuôi, trồng trọt, các QTD không đặt nặng việc hộ xin vay có tài sản thế chấp hay không mà điều quan trọng nhất là xem xét mức độ “chí thú làm ăn” và khả năng thành công khi sử dụng vốn đến mức nào.

Thường thì QTD sẽ yên tâm giải ngân vốn vay cho các hộ đạt tiêu chí trên là vì 3 lý do chính: Thứ nhất, các hộ này đã có lịch sử vay vốn 5-7 năm từ QTD và luôn trả nợ đúng kỳ hạn. Thứ hai, các hộ vay vốn đều là người dân sống tại địa phương nên QTD nắm được hết gia thế, tiềm lực kinh tế, thậm chí cả thói quen sử dụng tiền vốn. Thứ ba, bản thân các hộ vay vốn sau khi làm ăn khá giả, có tích lũy thì lại trở thành khách hàng tiềm năng gửi tiền cho QTD để cho vay lại đối với người khác.

Nông dân ở huyện Vĩnh Hưng, Long An đang vay vốn tại một Quỹ tín dụng

Điển hình như trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Năm (ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông), ông My cho biết, ban đầu hộ này chỉ có 900 m2 đất vườn nhưng vì nhìn thấy được khả năng và ý chí trong làm kinh tế nên QTD đã cho vay vốn để trồng nhãn. Sau khi thu hoạch, hộ ông Năm trả hết nợ rồi lại vay vốn lớn hơn. Cứ liên tiếp như thế, trong vòng 10 năm, số vốn vay mỗi năm mỗi lớn dần theo uy tín trả nợ. Hiện vườn nhãn của gia đình ông Năm đã có gần 10.000 m2, doanh thu mỗi vụ 180-200 triệu đồng. Ông Năm trở thành khách hàng thân thiết của QTD Tân Thuận Đông và Quỹ sẵn sàng cho ông vay hàng trăm triệu không cần thế chấp để sửa sang nhà cửa, đất đai. Đổi lại, ông Năm cũng sẵn sàng gửi tiền vào QTD sau khi có tiền bán sản phẩm mỗi vụ thu hoạch.

Theo nghiên cứu của TS. Lê Minh Khương (Đại học Cần Thơ), mặc dù mức lãi vay ở các ngân hàng thường thấp hơn so với các QTD khoảng 2%/năm, tuy nhiên, chi phí vay vốn ở các QTD và các đơn vị tín dụng ủy thác bán chính thức như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân chỉ khoảng 60-90 ngàn đồng chi phí một lần vay. Trong khi đó, nếu vay tại các ngân hàng, các hộ thường phải bỏ chi phí một lần vay khoảng 230.000 đồng. Vì hầu hết các hộ muốn vay đều phải đi xa mới đến trụ sở ngân hàng và do trình độ dân trí còn hạn chế nên phải bỏ tiền thuê người hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ.

Quan trọng hơn, nguyên nhân QTD thu hút người nông dân, theo TS. Khương, là điều kiện được vay vốn tại QTD không đặt nặng tài sản thế chấp mà các yếu tố tín chấp cũng được xem xét ngang hàng. Chẳng hạn một hộ vay nuôi tôm, nếu diện tích nuôi được xem là yếu tố thế chấp thì các yếu tố khác như trình độ học vấn, địa vị xã hội của chủ hộ và kinh nghiệm nuôi cũng được xem là những tín chấp để QTD quyết định giải ngân.

Ngân hàng chưa đi sát

Theo phân tích của TS. Lê Minh Khương, mặc dù các QTD có những lợi thế nhất định vì nằm trên địa bàn địa phương và có thể nâng mức tín chấp trên cơ sở tính toán độ rủi ro khi cho vay. Tuy nhiên, do nguồn vốn từ các TCTD này không lớn nên tỷ lệ đáp ứng nhu cầu cho khách hàng nông hộ không cao.

Khảo sát trên 350 hộ dân nuôi tôm tại khu vực tỉnh Bạc Liêu của ông Khương thực hiện năm 2012 cho thấy, trong tổng số 277 hộ có vay vốn thì chỉ có khoảng 39,7% hộ vay được từ các TCTD chính thức (bao gồm cả ngân hàng và QTD). Trong khi đó, có tới gần 70% số hộ phải vay vốn tín dụng phi chính thức (TDPCT), chủ yếu là mua chịu vật tư từ các đại lý.

Trên kết quả nghiên cứu, ông Khương cho rằng, mặc dù khi cần vốn, các hộ dân luôn ưu tiên vay tín dụng chính thức bởi lãi suất thấp nhưng do bị hạn chế về điều kiện nên mức được vay không đủ nhu cầu vì tài sản đảm bảo có giá trị không đủ lớn, các hộ vẫn phải tiếp cận nguồn vốn TDPCT với lãi suất 30-40%/năm. Ở đây có thể thấy rằng, mặc dù mức lãi suất rất cao nhưng khi vay từ các nguồn TDPCT, các hộ lại không phải thế chấp tài sản và ít gặp khó khăn về thủ tục kê khai như khi xin vay từ TCTD. Kể cả trường hợp đang nợ, các hộ vẫn có thể vay thêm, thậm chí vay để trả nợ các khoản đã vay từ ngân hàng.

Như vậy, rõ ràng, TDPCT đang đi “sát sườn” đời sống kinh tế của nông hộ. Những người cho vay nặng lãi chuyên nghiệp đang nắm được những cơ hội làm ăn tốt hơn từ nhu cầu phát triển kinh tế gia đình của hàng triệu hộ nông dân. Trong khi đó, một số NHTM hiện nay đã đẩy mạnh các gói tín dụng cho các nông hộ này nhưng quá trình thực hiện chưa đủ mức linh hoạt theo nhu cầu và năng lực thực tế của đối tượng xin vay vốn.

Chẳng hạn, thời gian qua, LienVietPostBank - đơn vị tiên phong cho chương trình tín dụng nông hộ, đã đưa ra gói vay 5.000 tỷ đồng, cam kết cho vay tối đa 80% tổng nhu cầu vốn. Tuy nhiên, những điều kiện về cho vay lại tương đối khắt khe. Theo đó, khách hàng phải đảm bảo có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm, có diện tích đất phù hợp, không có nợ khó đòi trên 6 tháng tại các TCTD. Đồng thời phải được chính quyền địa phương xác nhận trên giấy đề nghị vay vốn.

Rõ ràng với những điều khoản ràng buộc khắt khe này, lượng khách hàng mà LienVietPostBank tiếp cận và giải ngân được sẽ không nhiều. Bởi trên thực tế, người dân tuy có nhu cầu vay rất lớn, nhưng do sản xuất quy mô nông hộ manh mún, việc thất bát, rủi ro rất dễ xảy ra. Các nông hộ luôn mong muốn tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, nhưng nếu bắt buộc họ phải “sạch nợ” mới được vay mới thì hầu như tỷ lệ hộ dân đáp ứng đủ yêu cầu trên là con số cực nhỏ. Vì vậy, nếu các TCTD không tính toán đến các điều kiện linh hoạt về nợ đọng trong hộ dân, cũng như không tăng được tỷ lệ lượng định tín chấp trong thẩm định hồ sơ xin vay vốn phù hợp thì thị phần khách hàng cá nhân, nông hộ mà các ngân hàng đang mong muốn tiếp cận sẽ không nhiều.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-tuc/2-ngan-hang-it-co-hoi-voi-tin-dung-vi-mo-22139.html