Ngân hàng – Doanh nghiệp: Hãy là bạn đồng hành tin cậy!

Đứng từ góc độ một doanh nghiệp (DN) tư nhân, ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: Càng khó khăn ngân hàng và DN càng cần là bạn đồng hành tin cậy của nhau. Đặc biệt, đừng chỉ sử dụng mỗi biện pháp hạ lãi suất mà ngân hàng cần cùng DN xúc tiến kinh doanh.

PV: Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Chính phủ trong việc giải tỏa khó khăn của DN và ông đề xuất gì nhằm tháo gỡ những khó khăn vẫn còn tồn tại?

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ: Tôi thấy dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngân hàng cũng có nhiều cố gắng trong vấn đề hạ lãi suất, thị trường vàng ổn định hơn. Đây là một cố gắng đáng ghi nhận. Về lãi suất ngân hàng tôi đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của ngành này trong thời gian qua. Lãi suất ngân hàng trước đây lên tới 18 – 20% và trên 20% nhưng nay giảm xuống dưới 10%. Có thể nói là giảm tới trên 50%. Đây là một sự cố gắng rất lớn của ngành ngân hàng được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Vấn đề thứ hai là việc tiếp cận vốn đã thuận lợi hơn so với trước. Trước đây tiếp cận vốn khó khăn, nhưng bây giờ việc tiếp cận vốn đỡ khó khăn hơn rồi.

Có một điều mà các DN còn băn khoăn là trong điều kiện hiện nay, sức cầu của nền kinh tế rất thấp, cho nên các DN mặc dù là có những DN đảm bảo các tiêu chí để vay vốn nhưng cũng muốn làm sao trong lúc khó khăn này đầu tư hợp lý và quy mô sản xuất trong kiểm soát của mình. Cho nên các DN vẫn hạn chế vay để đảm bảo an toàn. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, tôi đề nghị ngành ngân hàng tiếp tục nghiên cứu để nếu có thể thì hạ lãi suất thêm. Thứ hai là tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Thứ ba là có cơ chế thoáng hơn. Những DN sản xuất có đầu ra, nhưng hiện nay chưa có khả năng về vốn, thì nên hỗ trợ họ, cho vay vốn để họ có thể lưu thông sản xuất và bán được hàng, có cơ hội trả nợ ngân hàng. Thứ tư là quan tâm đến những đơn vị sản xuất kinh doanh làm hàng xuất khẩu, mang lại ngoại tệ cho đất nước. Các DN này để có chỗ đứng, có thương hiệu, có thị trường nước ngoài là rất khó khăn, trong điều kiện đó, nên hỗ trợ họ để họ có điều kiện sản xuất kinh doanh ổn định, xuất khẩu được hàng hóa ra nước ngoài. Đây là những vấn đề mà tôi nghĩ là hết sức thiết thực.

Nhưng, thực tế nhiều DN vẫn kêu việc tiếp cận vốn của họ khá khó khăn, thưa ông?

Nếu DN nào mà làm ăn tốt thì lúc này thậm chí ngân hàng còn đến mời để vay vốn. Còn những DN làm ăn không tốt thì quả thật là rất khó vay vốn. Tuy nhiên, việc quy định lãi suất hạ xuống như vậy và cơ chế nới lỏng, nhưng cũng nói thật là với ngân hàng thì khi cho vay cũng phải có những thủ tục, cam kết, có phương án một cách đầy đủ. Cho nên chúng tôi mong muốn ngân hàng lúc này phải vào cuộc mạnh hơn, thậm chí phải cùng với DN vừa tháo gỡ khó khăn về vốn, vừa hạ lãi suất ngân hàng; nhưng lại phải cùng với DN để xúc tiến trong công tác kinh doanh, hướng dẫn giúp đỡ về công tác quản lý, tham gia vào cùng với DN để làm sao đẩy mạnh công tác tiêu thụ hàng hóa cho DN. Bởi ngân hàng và DN phải cùng đồng hành với nhau.

Thực tế thì hiện nay nhiều DN không còn tài sản để thế chấp nữa, người ta chỉ còn thị trường thôi, theo ông trong trường hợp đó nên như thế nào?

DN trong thời điểm này đã tự phải cấu trúc lại mình, đã phải xem xét tất cả những đầu tư, sản xuất; cái gì hợp lý, cái gì có thể phát triển được thì họ mới đầu tư, còn họ cũng không dại gì mà đi đầu tư những gì không hiệu quả, không kinh tế. Còn ngân hàng cũng cần linh hoạt, đánh giá phân loại thực trạng DN rồi thì cũng nên có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách gia hạn các khoản nợ đến hạn cho họ. Cho họ vay thêm vốn lưu động để họ sản xuất kinh doanh bình thường, giải quyết lao động. Giữa ngân hàng và DN phải như bạn đồng hành với nhau, cùng tồn tại với nhau.

Trân trọng cảm ơn ông!

M.Loan-V.Thắng (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=71564&menu=1372&style=1