Ngân hàng chào vốn, doanh nghiệp muốn đảo nợ

DN đang chịu lãi vay cao ở các khoản nợ cũ, lại có đầu ra khó, nên chỉ muốn đảo nợ để được hưởng lãi suất thấp hơn.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp đã đặt vấn đề trực tiếp với cán bộ ngân hàng về việc làm thế nào để có thể đảo nợ cũ thành nợ mới với mức lãi suất thấp hơn để doanh nghiệp phục hồi lại được sản xuất, kinh doanh.

Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo “Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam” nhận định, mặc dù các mức lãi suất đã giảm và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa bơm một lượng nhỏ tiền cho nền kinh tế, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chậm do nhu cầu thấp và các doanh nghiệp không có đủ tài sản thế chấp để vay vốn.

Tín dụng trong nền kinh tế đã giảm 0,6% kể từ cuối năm 2011 cho đến tháng 4 vừa qua, khiến tăng trưởng tín dụng có khả năng chỉ đạt mức 13% trong năm nay, mặc cho những nỗ lực của NHNN trong việc khuyến khích vay vốn. Do vậy, mặc dù hiện vẫn còn những thận trọng nhất định trong việc cho vay, nhưng không ít ngân hàng đang đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng.

Trao đổi với ĐTCK, chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu, công nghiệp và chế biến thực phẩm ở Đồng Nai cho biết, hiện đang có khá nhiều ngân hàng chào ông với mức lãi suất cho vay trung bình từ 16 - 16,5%/năm, thời gian xử lý hợp đồng nhanh, gọn, thuận tiện…

OceanBank công bố lãi suất ưu đãi 12%/năm cho các doanh nghiệp cam kết và thực hiện chuyển doanh thu hoạt động tối thiểu bằng số tiền vay qua tài khoản thanh toán tại OceanBank trong suốt thời gian vay.

Thậm chí, Eximbank đã triển khai chương trình cho vay VND với lãi suất ưu đãi chỉ 7%/năm nhằm hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Ngân hàng sẽ bảo hiểm tỷ giá ngoại tệ cho khách hàng. Cụ thể, khi thanh toán nợ gốc, lãi vay, khách hàng chỉ phải trả theo tỷ giá tối đa không vượt quá 3% so với tỷ giá tại thời điểm giải ngân, phần vượt trên mức 3% này, Eximbank sẽ chịu rủi ro thay cho khách hàng.

Thông tin từ Eximbank cho biết, sau 2 tuần triển khai, lượng vốn giải ngân với lãi suất 7%/năm đạt gần 2.700 tỷ đồng với 234 khách hàng (35 cá nhân, 199 doanh nghiệp). Trong đó, vay kỳ hạn ngắn 1 tháng là 606 tỷ đồng, chiếm 22,84%; 2 tháng là 43 tỷ đồng, chiếm 1,65%; 3 tháng là 120 tỷ đồng, chiếm 4,52%; 4 tháng là 126 tỷ đồng, chiếm 4,77%; 5 tháng là 15 tỷ đồng, chiếm 0,57% và 6 tháng là 1.743 tỷ đồng, chiếm 65,65%.

“Căn cứ vào những động thái nới lỏng tiền tệ và quyết định tăng mức chi tiêu công gần đây của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm, trái ngược với tình hình co hẹp của 6 tháng đầu năm. Nguồn tín dụng dồi dào hơn sẽ thúc đẩy mức cầu và tình hình sản xuất nội địa, khi mà trong 6 tháng đầu năm, cả hai yếu tố này đều ở mức thấp hơn nhiều so với khuynh hướng dài hạn”, Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của ANZ, vừa được công bố, nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị chủ tịch HĐQT ở Đồng Nai cho biết, mặc dù lãi suất cho vay hiện đang được mời với giá thấp, nhưng ông buộc phải từ chối. Nguyên nhân là Công ty hiện vẫn đang phải trả nợ khoản vay ở ngân hàng cũ, mặc dù lãi suất cao hơn nhưng nếu đáo hạn thì Công ty lại phải chịu khoản phí phạt không nhỏ.

“Tính chi li, chi phí vay mới (gồm cả tiền phạt trả nợ cũ trước hạn) cũng tương đương chi phí của khoản vay cũ, nên Công ty đành phải duy trì khoản vay với lãi suất 18%/năm. Có vẻ như các ngân hàng đang tìm mọi cách mời chào khách hàng mới, nhưng lại hắt hủi khách hàng cũ”.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Hải Dương cho biết, phần lớn tài sản của Công ty đã thế chấp hết cho các khoản vay trước, nên khó có thể vay mới. Đó là chưa kể việc Công ty đã giảm 60% công suất, bởi hàng tồn kho hiện tương đương doanh thu của 5 tháng (khoảng 30 tỷ đồng).

“Do vậy, sản xuất không phải là vấn đề chính hiện nay của doanh nghiệp mà là làm thế nào để xử lý khoản nợ đang tồn đọng với lãi suất cao và giải quyết lượng hàng tồn kho”, vị giám đốc này nhấn mạnh.

Trinh Nguyen, Chuyên gia kinh tế châu Á của HSBC nói: “Hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm cho thấy các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn ở Việt Nam”.

Thậm chí, tổng giám đốc một doanh nghiệp cho biết, ông còn đặt vấn đề trực tiếp với cán bộ ngân hàng về việc làm thế nào để doanh nghiệp có thể đảo nợ cũ thành nợ mới với mức lãi suất thấp hơn để doanh nghiệp phục hồi lại được sản xuất, kinh doanh. Nhưng, vị cán bộ ngân hàng đó đã từ chối.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, những doanh nghiệp hiện có nợ trong nhóm 2, nghĩa là khoản vay cần phải trả trong vòng 90 ngày, muốn vay món mới để trả nợ cũ với lãi suất thấp hơn là việc có thể làm được. Bởi chính NHNN cũng đang khuyến khích các ngân hàng tiến hành việc cơ cấu lại nợ với điều kiện sổ sách, báo cáo tài chính rất minh bạch và cuối cùng doanh nghiệp phải chứng tỏ được khả năng trả nợ của mình.

“Tôi ủng hộ việc ngân hàng tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp qua vấn đề tái cơ cấu nợ với những điều kiện được NHNN đã đưa ra và doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu này”, TS. Hiếu nói.

Bên cạnh đó, TS. Hiếu cho rằng, doanh nghiệp cũng cần tôn trọng quyết định của ngân hàng, nếu không đồng ý với việc cho vay để tái cơ cấu nợ thì đó có thể do bản thân ngân hàng cũng đang phải giải quyết vấn đề nợ xấu của mình. Có những ngân hàng có chi phí vốn cao, nên không thể chấp nhận lỗ để cứu doanh nghiệp. Do đó, việc các ngân hàng có chính sách riêng, điều kiện cho vay chặt chẽ hơn cho những khoản vay tái cơ cấu nợ là điều có thể hiểu được.

Theo Hồng Dung

ĐTCK

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/20120705072034690ca36/ngan-hang-chao-von-doanh-nghiep-muon-dao-no.chn