Ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi tung tin sai sự thật

Thời gian qua, trên mạng xã hội liên tục phát tán nhiều hình ảnh, clip (đoạn phim) với nội dung liên quan đến các vụ bắt cóc trẻ em, nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng, dẫn đến hoang mang, lo lắng trong dư luận, nhất là những gia đình có con nhỏ.

Ngày 20-7, tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà (Hải Dương), do nghi ngờ có dấu hiệu bắt cóc trẻ em, hai người dân đi mua gỗ, đã bị đánh đập, và đốt rụi chiếc xe ô-tô có giá trị lớn. Hay như trường hợp một người dân đã đăng thông tin và hình ảnh lên trang facebook cá nhân của mình về một chiếc máy bay bị rơi và khẳng định rơi tại sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Ngay sau khi thông tin nêu trên được phát tán, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội đã vào cuộc, điều tra, đồng thời hoàn thiện hồ sơ xử lý đối tượng này và khẳng định đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm Điểm g, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Bên cạnh những sự việc, hành vi tiêu cực của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đã được người dân đưa lên mạng xã hội, tạo dư luận tích cực nhằm yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, không ít người đang ngộ nhận việc đăng tải những thông tin có tính chủ quan, cảm tính lên mạng xã hội là quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận, bất chấp mọi quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong việc cung cấp, tiếp cận, sử dụng và phát tán thông tin, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Điều đáng nói là sự việc không chỉ dừng lại ở người đăng tải thông tin mà còn được cộng đồng sử dụng mạng xã hội chia sẻ, phát tán, dẫn đến những hiệu ứng xấu không thể lường trước.

Để ngăn chặn những thông tin bịa đặt gây dư luận xấu, các cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Về khung pháp lý, hoạt động của mạng xã hội đã được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về: “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và thông tin trên mạng” và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về: “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện”. Ngoài ra, cần tăng cường hơn công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, để người sử dụng mạng xã hội thích ứng một cách tích cực với môi trường mạng in-tơ-nét, biết sàng lọc thông tin xấu và tiếp nhận những thông tin có ích.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành các chế tài nhằm xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi sai trái trên mạng xã hội. Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp, tuyên truyền, giáo dục của các cơ quan, ban, ngành từ T.Ư đến địa phương, từ gia đình đến nhà trường, phù hợp tâm sinh lý, đời sống, trình độ nhận thức và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33815002-ngan-chan-xu-ly-nghiem-hanh-vi-tung-tin-sai-su-that.html