Ngăn chặn thực phẩm nhập lậu qua biên giới

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động vận chuyển trái phép thịt, nội tạng, gia cầm và thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiếp tục “nóng” tại khu vực biên giới phía bắc.

Thống kê sơ bộ từ đầu năm đến nay của Tổng cục Hải quan, lực lượng hải quan các địa phương trong cả nước đã bắt 56 vụ buôn lậu thực phẩm bẩn, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng kèm theo dịch bệnh rất cao. Điển hình ngày 15-1-2017, lực lượng kiểm soát hải quan tỉnh Cao Bằng phối hợp Công an huyện Bảo Lạc, Công an tỉnh Cao Bằng bắt giữ một đối tượng vận chuyển trái phép 90 nghìn quả trứng gia cầm. Ngày 20-2-2017, tại khu vực tổ 10, phường Lào Cai, TP Lào Cai (Lào Cai), lực lượng kiểm soát hải quan phát hiện và bắt giữ 137 kg thịt động vật đông lạnh, 30 kg chả cá đông lạnh, chưa xác định được chủ sở hữu, trị giá ước tính hơn 10 triệu đồng. Ngày 9-3-2017, cũng tại TP Lào Cai, lực lượng kiểm soát hải quan phát hiện và bắt giữ 140 kg nội tạng động vật và thịt động vật đông lạnh, chưa xác định được chủ sở hữu.

Tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), địa bàn trọng điểm buôn lậu kéo dài từ Km 1 đến Km 4 (thuộc các phường Ka Long, Hải Yên) và các khu vực: Lục Lầm (thuộc các phường Trần Phú, Hải Hòa), phường Trà Cổ, Km 10 đến Km 14, Đại Vai (thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn), Lục Chắn (xã Hải Sơn). Đội trưởng Kiểm soát hải quan số 1 (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh) Lê Mạnh Tùng cho biết, đối tượng trọng điểm là chủ hàng chuyên buôn bán, kinh doanh các mặt hàng gia cầm, chủ đầu nậu, người điều khiển phương tiện vận tải thường xuyên vận chuyển hàng hóa qua biên giới, dân cư sinh sống tại khu vực tiếp giáp biên giới không có nghề nghiệp ổn định. Tại các cửa khẩu, các đầu nậu thường rất ít lộ diện mà chủ yếu mua hàng qua giao dịch bằng điện thoại, sau đó thuê cư dân biên giới sang Trung Quốc áp tải về Việt Nam, cất giấu, che đậy hàng hóa trong những xe hàng thô sơ, xé lẻ vận chuyển dần về các điểm sâu trong nội địa để tiêu thụ. Ngày 3-4-2017, tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng kiểm soát hải quan phát hiện một lô hàng lòng lợn đã qua chế biến, trị giá ước tính 19 triệu đồng. Trước đó, ngày 18-3-2017, tại phường Hải Yên, TP Móng Cái, lực lượng kiểm soát hải quan phát hiện 1.430 kg thịt cá sấu đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã bốc mùi hôi thối, trị giá khoảng 70 triệu đồng.

Tại tỉnh Lạng Sơn, đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng tại khu vực bờ sông và các hộ gia đình sinh sống giáp bờ sông, đường mòn dọc tuyến biên giới. Sau đó, lợi dụng đêm tối nhanh chóng sử dụng thuyền máy, thuyền nan tập trung vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã triển khai các biện pháp đấu tranh đồng loạt, trên toàn tuyến cho nên gia cầm nhập lậu được phát hiện ngăn chặn kịp thời, quyết liệt ngay từ biên giới. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu hiện nay đã thay đổi phương thức kinh doanh khi thực hiện thủ đoạn mới là giết mổ gia cầm ngay tại biên giới và vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện, trong đó, có cả xe du lịch, xe đông lạnh mang đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối. Bên cạnh đó, gia cầm nhập lậu còn được hợp thức hóa sau khi nuôi nhốt tại một số địa phương, giáp ranh với các tỉnh biên giới. Ngày 6-4-2017, Công an huyện Lộc Bình phối hợp lực lượng kiểm soát hải quan tuần tra kiểm soát, phát hiện và bắt giữ 5.500 con vịt giống khoảng ba ngày tuổi, nhập lậu không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Đại diện Cục Hải quan các tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn cho rằng, do địa hình biên giới phức tạp, trải dài, gồm nhiều đường mòn, lối tắt qua lại đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng hoạt động. Hơn nữa, chúng cắt cử người thường xuyên theo dõi lực lượng chống buôn lậu để đối phó, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Trong khi đó, việc phân biệt gia cầm nhập lậu với gia cầm thải loại của các cơ sở sản xuất trong nước rất khó khăn.

Hiện nay, lực lượng hải quan đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát, xác định phương thức, thủ đoạn, đường dây, ổ nhóm, đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép thịt, nội tạng, gia cầm, sản phẩm từ gia cầm. Đồng thời, thường xuyên thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình; chủ động xây dựng kế hoạch, chuyên đề, xác lập chuyên án đấu tranh, kiên quyết ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc buôn lậu nghiêm trọng. Tổ chức lực lượng, tích cực, chủ động phối hợp các lực lượng chức năng khác như quản lý thị trường, biên phòng, công an, kiểm dịch tại cửa khẩu và chính quyền địa phương để trao đổi thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ, xử lý vi phạm. Bảo đảm công tác đấu tranh chống buôn lậu thực phẩm bẩn có chiều sâu và bền vững, ưu tiên hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật sâu rộng đến người dân trên địa bàn quản lý, vận động người dân tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, không dung túng, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/32922702-ngan-chan-thuc-pham-nhap-lau-qua-bien-gioi.html