Ngăn chặn tệ nạn lạm dụng rượu, bia

Thời gian qua, các ngành chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo, có nhiều biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu, bia nhưng thực tế cho thấy, số vụ tai nạn giao thông, số người nhập viện và số nạn nhân tử vong... do sử dụng bia, rượu vẫn gia tăng. Đây là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: TIẾN NGUYÊN

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: TIẾN NGUYÊN

Thời gian qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều trường hợp tử vong vì ngộ độc rượu. Các bệnh nhân đều là nam giới ở tầm tuổi 40-50, khi nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch vì hôn mê, ngừng tim, tụt huyết áp, tổn thương thận, tổn thương não. Theo thông tin từ người nhà, các bệnh nhân này trước đó đều có uống “rượu quê” mua ở khu vực đang sinh sống.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì TNGT, trong đó hơn 40% liên quan rượu bia. Những người uống rượu bia, vẫn điều khiển phương tiện giao thông không chỉ gây tai nạn cho mình mà cho cả người khác. Có quá nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu bia, gây ra tai nạn thương tâm, nhưng người ta vẫn tìm đủ lý do để tổ chức uống rượu, bia tới “bến”. Trong các cuộc rượu, bia đó, họ tìm ra hàng trăm nghìn nguyên nhân để uống: đúng uống, sai uống, thưởng cũng cạn, mà phạt thì cũng cạn ly 100%... Tâm lý cả nể, ham vui khiến không ít người khi tỉnh dậy đã thấy mình đang trong bệnh viện. Những câu chuyện đau lòng như vậy xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta, ở khắp các tỉnh, thành phố. Ở những bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai, Việt Đức (Hà Nội)... hằng ngày các bác sĩ, y tá phải tiếp nhận, điều trị và chứng kiến hàng chục trường hợp chấn thương sọ não, gãy chân, gãy tay, tử vong do tai nạn giao thông sau khi uống rượu bia. Tai nạn giao thông, nhất là tai nạn chấn thương sọ não do sử dụng rượu bia là nỗi ám ảnh, là gánh nặng của gia đình người bệnh và của toàn xã hội.

Rất nhiều biện pháp đã được đề ra để hạn chế tình trạng rượu bia như: cấm công chức rượu bia trong giờ làm việc, đặt chốt cảnh sát giao thông trước cửa quán bia để kiểm tra nồng độ cồn của người ra khỏi quán, kiên quyết xử phạt những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia. Cùng với đó là tuyên truyền bằng hình ảnh, phóng sự về tai nạn giao thông do rượu, bia trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng thực tế, số vụ tai nạn giao thông do rượu bia vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm. Với suy nghĩ, “nam vô tửu như kỳ vô phong”, “sống chết có số”… đang khiến những tai nạn đau lòng từ uống rượu, bia quá đà vẫn xảy ra hằng ngày và khó lòng ngăn chặn.

Những hệ lụy đau lòng từ lạm dụng rượu, bia không chỉ gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần cho các cá nhân mà còn gây ra nỗi đau cho các gia đình. Mặt khác, những người lạm dụng bia rượu đã vô tình để lại gánh nặng, hậu quả cho xã hội khi họ mắc các bệnh liên quan tâm thần; gia đình họ ly tán khi có người thương tật, tử vong, người vào vòng tù tội... Để hạn chế những hậu quả đau lòng do rượu, bia, các lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hành vi mua bán, sử dụng rượu, bia; có chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương. Mỗi người dân cần nâng cao
ý thức tự giác chấp hành luật pháp khi tham gia giao thông. Các cơ quan, tổ chức và mỗi gia đình cần nhắc nhở nhân viên và người thân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Người đã uống rượu, bia tuyệt đối không tham gia giao thông.

“Phần lớn những người nghiện rượu, bia thường bị thay đổi nhân cách. Người hiền lành, biết cư xử có thể biến thành cục cằn, thiếu kiềm chế, hay gây gổ với người chung quanh... Người bệnh có biểu hiện lú lẫn, mê sảng, hoang tưởng, hành vi cực kỳ nguy hiểm như tấn công người khác,...”.

LA ĐỨC CƯƠNG

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I

“Dịp Tết tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới là rất cao, chiếm khoảng 70% số vụ TNGT. Khi đã uống rượu quá độ, nhiều người không kiểm soát được hành vi, dẫn đến không tuân thủ được các quy tắc giao thông như phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng khi điều khiển xe máy dẫn đến TNGT, gây hậu quả nghiêm trọng”.

NGUYỄN VĂN HÙNG

(Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia)

QUANG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/bandoc/item/32077902-ngan-chan-te-nan-lam-dung-ruou-bia.html