Ngăn chặn sớm các nguy cơ tăng giá

(Chinhphu.vn)- Sau 6 tháng liên tục mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 1% thì đến tháng 9 đã vượt trên ngưỡng đó. Diễn biến này cảnh báo các nhà làm chính sách về các nguy cơ tăng giá cũng như quyết liệt hơn trong việc bình ổn thị trường những tháng cuối năm.

Sau 6 tháng liên tục giữ được mức tăng dưới 1% , cụ thể tháng 3 tăng 0,75%; tháng 4 tăng 0,14%; tháng 5 tăng 0,27%; tháng 6 tăng 0,22%; tháng 7 tăng 0,06%; tháng 8 tăng 0,23%, đến tháng 9 CPI có dấu hiệu tăng nhanh, đến 1,31% so với tháng 8. Các yếu tố đẩy lạm phát Việc CPI tháng 9 tăng cao có nguyên nhân liên tác động từ giá thế giới và nhóm hàng giáo dục cũng như quy luật tăng giá cuối năm. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại thị trường giá cả (Tổng cục Thống kê), trong tháng 9 mặt hàng giáo dục có mức tăng tới 12,02% (trong 1,31% tăng của CPI, nhóm giáo dục đóng góp 0,68%). Có tới 40 tỉnh, thành phố đồng loạt tăng học phí cao (có tỉnh tăng học phí từ 8.000 đồng/tháng lên 40.000 đồng). Phần lớn các trường lại thu luôn học phí cả năm trong tháng 9. Đây là nguyên nhân chính tác động tới chỉ số giá nhóm giáo dục. Ngoài ra, giá cả một số loại hàng hóa trên thị trường thế giới như giá vàng, lương thực… tăng mạnh làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước. Ông Nguyễn Đức Thắng phân tích, nếu loại trừ sự tăng đột biến của nhóm hàng giáo dục thì CPI tháng 9 cũng tăng tới 0,7% so với tháng 8. Ông Thắng cho rằng như vậy, CPI đã diễn biến theo quy luật các năm – tăng lên ở các tháng cuối năm. Trong phiên họp cuối tháng 9 vừa qua, Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo thời gian tới, trong 12 mặt hàng chủ yếu, chỉ có giá đường có thể chững lại, giá muối sẽ biến động không nhiều. Giá gạo trong nước có thể sẽ vẫn ở mức cao như hiện nay mặc dù miền Bắc sắp vào vụ thu hoạch nên nguồn cung tăng nhưng giá thế giới có xu hướng tăng, giá sữa cũng sẽ ở mức cao như hiện nay. Tuy vào mùa xây dựng, nhu cầu tăng, nhưng do lượng hàng còn nhiều nên giá thép có thể chững lại hoặc tăng nhẹ.Tuy nhiên, có 3 mặt hàng có thể tăng nhẹ theo giá thế giới và biến động tỷ giá là phân bón (do bắt đầu vào vụ Đông và giá thế giới vẫn ở mức cao), thức ăn chăn nuôi (do nhu cầu phục vụ hồi phục đàn sau dịch bệnh), dược phẩm. Có 3 mặt hàng giữ giá ổn định và có thể còn giảm nhẹ là giấy, than và giá xi măng . Kiên quyết kiềm chế các nguy cơ tăng giá Tuy Tổ điều hành dự báo trong tháng 10 giá thực phẩm chỉ tăng nhẹ nhưng theo ông Nguyễn Đức Thắng, nếu không sớm có giải pháp phục hồi đàn lợn sau dịch bệnh, thêm nhu cầu tăng sát Tết thì sẽ có biến động về giá thịt lợn. “Nếu những mặt hàng như gạo, thịt lợn tăng chắc chắn làm CPI tăng”, ông Thắng nói. Ông Thắng cũng lưu ý thêm nguy cơ từ chỉ số giá sản xuất – một yếu tố tác động tương đối quan trọng đến giá hàng bán ra. Do kinh tế phục hồi, từ quý I đến nay, chỉ số giá sản xuất tăng liên tục và cao hơn CPI, cộng thêm tác động tăng giá nguyên liệu trên thị trường thế giới. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới CPI những tháng tới. Hơn nữa vào mùa giải ngân vốn đầu tư, cần dè chừng việc tăng các khoản chi tiêu hành chính công. Đặc biệt là lạm phát tâm lý ở người tiêu dùng và cả ở những người bán hàng đổ tại tỷ giá mà đẩy giá hàng lên dù mặt hàng đó chẳng liên quan gì đến tỷ giá. Bên cạnh đó, còn khoảng 20 tỉnh chưa điều chỉnh tăng học phí, nếu điều chỉnh tăng đồng loạt trong những tháng cuối năm thì dứt khoát CPI lại bị mặt hàng giáo dục đẩy lên như tháng 9. Theo dự báo của Tổ điều hành trong nước, CPI tháng 10 chỉ tăng ở mức 0,5%. Tổ điều hành cho rằng, nếu kiên quyết thực hiện và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường thì mới kìm giữ được lạm phát tăng ở mức 8% trong năm nay. Ông Nguyễn Đức Thắng cũng cho rằng, để giữ được mức lạm phát 8%, cần kiên quyết và nỗ lực và nên cân nhắc thời điểm tăng học phí. Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/ngan-chan-som-cac-nguy-co-tang-gia/201010/37098.vgp