Ngăn chặn những nguy cơ tai nạn giao thông từ xe đạp điện: Cần siết quản lý

Mấy chục năm trước, tôi vẫn còn nhớ như in để có thể sở hữu một chiếc xe đạp nhiều gia đình phải dành dụm cả mấy năm trời.

Xe đạp – vì thế được giữ gìn như vật báu trong nhà, có giá trị cả cây vàng và được cấp chứng nhận sở hữu. Thế nhưng, thời gian trôi qua, cộng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, những chiếc xe đạp xưa cũ ấy đã dần được xếp gọn vào kho cửa hàng thu mua sắt vụn, trôi về dĩ vãng.

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý vi phạm trên phố Bà Triệu. Ảnh: Việt Dũng

Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý vi phạm trên phố Bà Triệu. Ảnh: Việt Dũng

Ngày nay, xe đạp điện mới là phương tiện được đông đảo người dân sử dụng. Đặc biệt là giới học sinh, sinh viên vì tính tiện ích, thân thiện với môi trường, gọn nhẹ và có thể chạy với tốc độ lên tới 40 - 50km/h. Tuy nhiên, loại phương tiện này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an toàn giao thông trên đường phố. Lạng lách, lao vun vút, tạt đầu ô tô… ngay giữa phố phường của các chủ nhân xe điện trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều tài xế. Hàng ngày, trên đường đi làm về tôi vẫn bắt gặp những cô, cậu học trò đi xe đạp điện thì thầm to nhỏ với nhau rằng: “Đội mũ bảo hiểm là nhà quê, vừa nặng đầu lại hỏng tóc”. Hình ảnh những học sinh, sinh viên đi xe đạp điện kẹp 3, kẹp 4, không đội mũ bảo hiểm, đánh võng, vượt đèn đỏ... xuất hiện nhan nhản trên đường. Nhiều người đi xe đạp điện tự coi mình nằm ngoài phạm vi xử lý của pháp luật.

Cái mới, cái nhanh của xe đạp điện cũng có hai mặt. Người tuân thủ luật lệ giao thông và biết các sử dụng thì trở nên rất hữu ích nhưng ngược lại chỉ lạm dụng tính năng thì đang gián tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn đau lòng. Thực trạng này càng trở nên báo động hơn vào những ngày giáp Tết âm lịch. Đứng trước các cổng trường THPT trên địa bàn Hà Nội vào giờ tan học, không khó để nhìn thấy hình ảnh các em học sinh đầu trần, dàn hàng ngang, nô đùa khi điều khiển xe đạp điện. Có em vừa đi vừa cầm ô, nhiều xe hồn nhiên chở 3, kéo đẩy các phương tiện khác, vượt đèn đỏ… Kinh hoàng hơn, tôi còn chứng kiến hình ảnh nhiều đối tượng sử dụng xe đạp điện, xe máy điện thể hiện “chơi trội” bằng cách “cưỡi” xe đạp điện “bốc đầu”, “đôn” tốc độ, “tóc xanh, tóc đỏ” phóng như bay, không màng luật an toàn giao thông. Đây là những hành vi vi phạm trật tự ATGT, ảnh hưởng đến ý thức chấp hành luật pháp của các em sau này. Thực trạng đó khiến nhiều người khi tham gia giao thông không khỏi bức xúc.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, nhưng thực tế tai nạn đã xảy ra và nguy hiểm luôn rình rập là điều tất yếu. Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đó là ý thức của những người khi tham gia giao thông đặc biệt là học sinh cấp III còn yếu. Mặc dù biết phải đội mũ bảo hiểm, phải dừng xe khi có đèn đỏ nhưng lại cố tình phóng nhanh để “lạng lách” rồi bóp còi inh ỏi, cười đùa nhau như đường riêng của mình. Khi vượt qua được thì vui mừng nhưng không nghĩ có thể đánh đổi cả mạng sống chỉ trong cái gọi là “tích tắc”.

Thu giữ phương tiện vi phạm ATGT trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Hải Linh

Vậy để không còn “Một phút sai, Hai phút hối hận”, mỗi bạn học sinh, mỗi người khi tham gia giao thông nên trang bị đầy đủ những kiến thức về an toàn giao thông. Đặc biệt là các em học sinh phải thường xuyên được giáo dục ý thức từ trong ghế nhà trường, tạo cho các em sân chơi ngoại khóa về an toàn giao thông, giúp trang bị kiến thức khi tham gia giao thông được tốt hơn. Tuyên truyền về luật giao thông và những biện pháp hạn chế vi phạm giao thông bằng cách nghiêm cấm học sinh đến trường bằng xe có phân khối lớn và khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm.

Đồng thời, các biện pháp xử lý người ngồi trên xe đạp điện vi phạm pháp luật về an toàn giao thông của lực lượng chức năng phải siết mạnh hơn. Việc làm này không chỉ góp phần giữ gìn trật tự giao thông trên địa bàn mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của thanh, thiếu niên và các em học sinh. Mặt khác, gia đình và nhà trường cũng đóng vai trò lớn trong việc giám sát, nhắc nhở con em mình sử dụng phương tiện an toàn, hình thành ý thức chấp hành luật ATGT, tránh gây tai nạn cho bản thân và người xung quanh. “An toàn là bạn, tai nạn là thù” cần có những suy nghĩ đúng đắn, tự giác thực hiện luật giao thông, giảm thiểu tai nạn mang lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình.

Vũ Thị Thu Hà (Thôn Mỹ Tiên – Bột Xuyên – Mỹ Đức - Hà Nội)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ngan-chan-nhung-nguy-co-tai-nan-giao-thong-tu-xe-dap-dien-can-siet-quan-ly-278576.html