Ngăn chặn nạn mua bán phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Những năm gần đây, nạn mua bán phụ nữ, trẻ em và phụ nữ tự bỏ nhà ra đi không rõ nguyên nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai có chiều hướng gia tăng. Điều đáng quan tâm là bọn mua bán người sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa gạt nhiều phụ nữ nhẹ dạ, cả tin.

Thời gian qua, mặc dù các địa phương, các cơ quan, đoàn thể tỉnh Lào Cai đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền về những thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ của bọn mua bán người, để cảnh báo. Nhưng trong thực tế, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp về tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ. Theo thống kê của cơ quan chức năng từ năm 2007 đến 2010, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 632 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em gái và phụ nữ bỏ nhà ra đi không rõ nguyên nhân. Cụ thể, năm 2007 có 179 vụ; năm 2008 có 199 vụ; năm 2009 có 112 vụ; năm 2010 có 142 vụ, tập trung chủ yếu ở các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên, Sa Pa, Bảo Thắng và Bát Xát. Số nạn nhân phụ nữ và trẻ em bị lừa gạt thường bị bán để 'làm vợ', bán vào các động mại dâm, hoặc bị lao động cưỡng bức, chủ yếu bị bán và lừa gạt sang các tỉnh giáp ranh với vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Số người bị lừa gạt và tự ý bỏ đi, phần đông là người dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp. Mặt khác, ở nhiều địa bàn vùng cao trong tỉnh vẫn còn tình trạng bạo hành, ngược đãi phụ nữ, nhận thức về cuộc sống xã hội của số đông phụ nữ, nhất là đối tượng phụ nữ trẻ còn hạn chế, dẫn tới nhiều trường hợp phụ nữ bỏ nhà ra đi vì những cám dỗ rất giản đơn, thường là vào các dịp lễ hội, đi chợ, du xuân, hoặc vì nông nổi bột phát... Thủ đoạn lừa gạt của bọn tội phạm chủ yếu núp dưới danh nghĩa giúp tìm việc làm, rủ đi làm ăn, buôn bán, đi du lịch và kết hôn với người nước ngoài để mong có cuộc sống nhàn hạ, giàu sang. Thời gian qua, thủ phạm là nam giới thường giả vờ yêu các cô gái rồi rủ rê họ về nhà ra mắt bố mẹ hoặc lừa đi chơi mua sắm đồ cưới... do vậy nhiều cô gái nhẹ dạ, cả tin dễ dàng sa bẫy của 'người yêu', đến lúc nhận rõ được chân tướng thì đã muộn. Cá biệt, có trường hợp buổi sáng hai vợ chồng vẫn đi làm bình thường, nhưng tối về thì thấy vợ 'mất tích'... Qua khảo sát thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu khiến một số phụ nữ bị lừa là do: hám lợi về lợi ích vật chất, vì nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời kẻ xấu, bởi những lời hứa hẹn sẽ tìm được việc làm có thu nhập cao hoặc lấy chồng Trung Quốc chỉ ở nhà sinh con, không phải đi làm. Nhưng trong thực tế họ đã bị ép trở thành vợ của những người đàn ông nhiều tuổi, kể cả người tàn phế; số khác bị bán vào các động mại dâm, bị bóc lột, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, không có cơ hội trốn thoát, trở về nước. Có người sau khi bị bán, sinh con rồi lại bị bán qua tay cho nhiều người đàn ông khác. Có trường hợp, bố mẹ còn gả, bán con cho các đối tượng người nước ngoài... Mặt khác, ở một số vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa do thiếu thông tin, nên một số trẻ em gái là học sinh THPT vẫn bị dụ dỗ bởi các chiêu bài tìm việc làm nhàn hạ, nhưng lại có thu nhập cao. Họ dễ dàng theo sự chỉ dẫn đối tượng, có khi chỉ mới quen biết, đến những nơi xa lạ để mong một sự đổi đời. Do đói nghèo, thất học và thất nghiệp dẫn đến những ham hố lợi ích vật chất, hạn chế về nhận thức, hiểu biết, đây là những điều kiện thuận lợi cho bọn mua bán người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ một số phụ nữ và trẻ em gái. Một số trường hợp do thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình, nhiều trường hợp con gái bỏ nhà đi mấy ngày bố mẹ mới biết; cũng có những gia đình vì cuộc sống nghèo khó, không còn thời gian và sức lực để chăm sóc con. Một số cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể ở cơ sở còn xem nhẹ, chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc phòng ngừa và kịp thời giải quyết hiệu quả vấn đề này. Công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn mang tính hình thức, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật còn hạn chế. Việc tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về còn lúng túng, cho nên họ vẫn còn những mặc cảm, kỳ thị, sẽ làm gì để sinh sống, để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu... TRƯỚC thực trạng trên, để hạn chế tình trạng nạn mua bán phụ nữ, trẻ em gái và thực trạng chị em phụ nữ tự bỏ nhà ra đi, thời gian tới các địa phương, ban, ngành, đoàn thể ở Lào Cai cần quan tâm thực hiện hiệu quả một số giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội nói chung, năng lực nhận biết và phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em nói riêng, đây là một trong những việc làm cấp bách, thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể ở cơ sở. Các hoạt động truyền thông cần được thực hiện thông qua các câu lạc bộ phòng, chống mua bán người, tư vấn cá nhân, đồng thời nên sớm đưa vào phổ biến trong các giờ ngoại khóa tại các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh; thông qua các cuộc họp chi bộ, họp thôn, các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép vào các hoạt động văn hóa văn nghệ ở thôn, bản; chú trọng việc tiếp nhận, hỗ trợ và tạo việc làm cho những nạn nhân bị mua bán trở về địa phương để họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/ng-n-ch-n-n-n-mua-ban-ph-n-va-tr-em-gai-tren-a-ban-t-nh-lao-cai-1.298193