Ngăn chặn nạn bằng giả và tình trạng 'chạy' bằng cấp

Hiện tượng bằng giả và "chạy" bằng cấp đang gây nhiều bức xúc trong xã hội và là một biểu hiệu suy thoái về đạo đức, lối sống được nêu trong Nghị quyết T.Ư4 (khóa XII). Đây không phải chuyện mới nhưng tình trạng này diễn ra càng ngày càng nhiều, cần phải xử lý nghiêm minh nhằm bảo đảm sự công bằng và góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực tế, nạn bằng giả đã xuất hiện từ lâu. Năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đợt thanh tra và phát hiện được hơn 10 nghìn trường hợp dùng bằng giả. Hiện nay, Bộ cũng đã phát hiện được thêm nhiều trường hợp sử dụng bằng giả. Trong đó có cả cán bộ ở cấp Trung ương. Với sai phạm này, rất nhiều người đã bị cách chức, chuyển công việc và bị xử lý nghiêm. Từ nguồn tin của quần chúng tố cáo, các cơ quan, tổ chức đã kiểm tra và phát hiện được nhiều người sử dụng bằng giả để thăng quan tiến chức, được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, như năm 2015, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Bộ Y tế) đã có những sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ hay như việc Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) bị phát hiện có hành vi gian dối, sử dụng bằng giả, bị xử lý kiểm điểm rồi đưa ra hình thức kỷ luật đúng với Điều lệ Đảng cũng như quy định của pháp luật (đăng trên Báo Nhân Dân ngày 22-5-2017).

Nguyên nhân có tình trạng mua bằng giả là do từ hai phía. Một phía là từ người cán bộ mua bằng giả để nộp vào hồ sơ đi làm, phía thứ hai là nơi tiếp nhận cán bộ cũng có những hành vi "nhập nhèm", không công khai, minh bạch cho nên mới nhận những người đó. Đáng buồn là đối tượng sử dụng bằng giả chủ yếu là cán bộ với động cơ xấu. Càng leo cao thì họ càng gây nguy hiểm cho cơ quan, cho cộng đồng. Một thực trạng đáng buồn khác là tâm lý xã hội hiện “nặng” về học chạy theo bằng cấp hơn là để thu nạp kiến thức. Đạo đức xã hội hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi xã hội thương mại, xã hội hàng hóa. Tình trạng mua bán bằng cấp, sử dụng bằng giả đã khiến đạo đức của nhiều cán bộ xuống cấp.

Một điều nữa khiến nạn dùng bằng giả hoành hành là do việc xử lý các đối tượng sử dụng bằng giả chưa kiên quyết. Với các cơ quan, khi phát hiện cán bộ, nhân viên sử dụng bằng giả vẫn chỉ dừng lại ở việc xử lý kỷ luật cảnh cáo, cao nhất là buộc thôi việc. Theo tôi, những người đứng đầu trong bộ máy nhà nước phải là những người vừa có đức vừa có tài và tuân thủ pháp luật. Người có quyền mà lừa dối, không trung thực thì làm sao nói được dân? Những người đứng đầu cần phải giỏi, trao quyền vào tay người không đủ tài, không đủ đức là một mối nguy hại, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Người trong bộ máy nhà nước phải là người trung thực thì mới có thể điều hành được đất nước.

Khi xã hội tồn tại và đặt nặng tiêu chí bằng cấp, danh hiệu thì sẽ có không ít người dùng mọi cách "chạy" để có được hư danh, học hành gian lận để có bằng cấp. Cán bộ nhà nước phải là người học hành đến nơi đến chốn, phải trải qua thi cử nghiêm túc, vốn tri thức phải được rèn luyện, bồi đắp theo thời gian. Học giả, bằng thật, năng lực kém, thiếu kỹ năng chuyên môn dẫn đến rất nhiều hệ lụy, tổn hại, nhất là trong lĩnh vực y tế. Không có bằng cấp, chuyên môn mà thăm khám, cấp phát thuốc, chữa bệnh sẽ nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng con người. Để những cán bộ thiếu trình độ như thế tồn tại trong bộ máy nhà nước là điều không thể chấp nhận được.

Để hạn chế tình trạng "chạy" bằng cấp, theo tôi, quy trình cấp phát phôi bằng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề cần phải chặt chẽ hơn. Ngoài ra, lãnh đạo các cấp quản lý nhà nước cần chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp dùng bằng giả, "chạy" bằng cấp. Bằng do cơ sở nước ngoài cấp khi được sử dụng làm điều kiện để tuyển dụng cần có quy định cụ thể, phải được thẩm định bởi cơ quan quản lý nhà nước.

GS, NGND PHẠM MINH HẠC
Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Giáo dục

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/33377202-ngan-chan-nan-bang-gia-va-tinh-trang-chay-bang-cap.html