Ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân

Một trong ba vấn đề cơ bản về công tác xây dựng Đảng được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) xác định là: "kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...”. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân (CNCN) sẽ là nguồn gốc quan trọng nhất để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.

Một trong ba vấn đề cơ bản về công tác xây dựng Đảng được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) xác định là: "kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...”. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân (CNCN) sẽ là nguồn gốc quan trọng nhất để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt coi trọng giáo dục cán bộ, đảng viên về tác hại to lớn do CNCN gây ra đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Người vạch rõ: "CNCN là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể "miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra mọi tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô…Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”; "CNCN trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng, một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”. "Do đó, CNCN là trái ngược với chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, CNCN nhất định phải tiêu diệt. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh… Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỉ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

Hiện nay, bên cạnh rất nhiều cán bộ, đảng viên ta mẫu mực, nêu cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng giản dị, có ý thức rèn luyện, tu dưỡng, tận tụy hy sinh phục vụ Tổ quốc và nhân dân, được nhân dân tin tưởng… thì cũng đang tồn tại một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào CNCN, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Vì ham danh lợi mà để đồng tiền chi phối lập trường, ý chí; vì tham quyền cao chức trọng mà đánh mất đạo đức và lương tâm, danh dự... Đáng lo ngại nhất là tình trạng đó đang diễn ra với mức độ và phạm vi ngày càng gia tăng, ở ngay trong một số cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, thậm chí ngay cả một số cán bộ cấp cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm, yếu kém nói trên, nhưng đáng chú ý nhất là bắt nguồn từ sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, sa vào CNCN của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Và suy đến cùng là do không vượt qua được CNCN. Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở: "Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là giặc nội xâm, nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm; nó kéo người ta xuống dốc không phanh. Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này”. Nếu không quét sạch CNCN thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh, không thể là một đảng cách mạng chân chính, hết lòng vì nước, vì dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn cảnh báo, phải: cảnh giác trước những cám dỗ về danh lợi, về vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của CNCN ích kỷ tệ hại… Một khi cán bộ, đảng viên sa vào vũng bùn của CNCN thì đồng nghĩa với việc họ đã và đang làm biến chất, suy thoái Đảng. Do đó, đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ những căn bệnh phát sinh từ CNCN sẽ giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng là yêu cầu hết sức cấp thiết, cần tập trung một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, việc đấu tranh chống CNCN phải tiến hành đồng bộ, gắn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; phát huy sức mạnh của các tổ chức, các lực lượng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; tăng cường các biện pháp quản lí các đối tượng gắn với việc rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao tính tiên phong gương mẫu về phẩm chất, đạo đức, lối sống và trách nhiệm chính trị, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tuyên truyền rộng rãi về tính chất tinh vi, nguy hiểm và biểu hiện mới của CNCN, để nhận diện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải thiết thực, cụ thể, đó là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các tổ chức Đảng và các tầng lớp nhân dân.

Hai là, các tổ chức đảng phải đặc biệt coi trọng và chủ động kiểm tra giám sát về phẩm chất, đạo đức, các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên; sớm phát hiện và khắc phục được những thiếu sót, khuyết điểm khi có dấu hiệu vi phạm; xử lí nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, lối sống của đảng viên, cán bộ, công chức. Nâng cao trách nhiệm, uy tín, nghiệp vụ của tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng trong kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, biết dựa vào nhân dân để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phải xử lí hài hòa các lợi ích, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của tập thể lên trên hết… kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.

Ba là, đấu tranh chống CNCN phải thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. Thực tế, việc tự phê bình và phê bình vẫn còn nhiều hạn chế, nặng về hình thức, chưa đi vào thực chất, chất lượng, hiệu quả thấp. Do đó, Nghị quyết Trung ương 4 đặt ra rất cụ thể về tự phê bình và phê bình; theo đó, phải tiến hành sâu rộng trong toàn Đảng, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ Trung ương đến các chi bộ. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ coi tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên, hằng ngày của mỗi người, không phải tự phê bình và phê bình là có "vấn đề”. Trong điều kiện hiện nay, các tổ chức Đảng, đảng viên phải đặc biệt quan tâm trên thực tế về chất lượng tự phê bình và phê bình; thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng; nhất thiết, mọi cán bộ, đảng viên phải thống nhất nhận thức, tư tưởng và thực hiện nghiêm Quy định những điều đảng viên không được làm.

Có như vậy, việc nhận diện, đấu tranh đẩy lùi CNCN, thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 mới đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.

Nguyễn Minh Đức

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=51176&menu=1427&style=1