Ngăn chặn bạo lực trong giới trẻ: Xử lý nghiêm khắc gắn với lắng nghe, chia sẻ

Tình trạng bạo lực học đường cùng những vụ trọng án do thanh, thiếu niên gây ra thời gian qua khiến dư luận xã hội không khỏi lo ngại. Đây cũng là chủ đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trao đổi trong và ngoài nghị trường kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV tuần qua. Cần vừa nghiêm khắc, răn đe nhưng cũng phải biết lắng nghe, giáo dục trẻ để ngăn chặn tình trạng này là đề xuất của nhiều ĐB.

Bạo lực học đường không phải là chủ đề mới, nhưng tần suất và mức độ nghiêm trọng lại đang ngày một tăng. Trao đổi với Báo Hànôịmới, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội) chia sẻ: “Là một người phụ nữ cũng có con em trong độ tuổi đang đi học, tôi rất lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Trước đây, các em có khi chỉ xúc phạm nhau về lời nói, nhưng gần đây xảy ra những vụ việc mà các em sử dụng vũ lực gây thương tích cho nhau, lại còn tung clip lên mạng để cổ súy cho những hành động này thì xã hội cần phải lên án và có biện pháp ngăn chặn”.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (ĐB Đặng Minh Châu - Đoàn Hà Nội) cho rằng, tình trạng bạo lực trong giới trẻ rất đáng báo động. Nhiều khi chỉ vì một câu khích nhau, một cái nhìn không thiện chí là các em sẵn sàng có những hành vi manh động. Những vụ thảm án thời gian qua, người phạm tội chủ yếu ở độ tuổi rất trẻ. Theo ĐB, tác động của phim ảnh, mạng xã hội đối với tình trạng gia tăng bạo lực trong giới trẻ không phải là nhỏ. Nhưng còn nguyên nhân khác là giáo dục học đường chưa quan tâm thấu đáo đến vấn đề đạo đức, sự đoàn kết thân ái, lòng trắc ẩn... “Chúng ta mới tập trung dạy kiến thức mà chưa chú trọng dạy đạo đức, lịch sử, lòng yêu thương con người với nhau. Trong khi đó, giáo dục trong gia đình cũng đang có vấn đề. Cha mẹ mải làm ăn, ít quan tâm đến con cái. Nhiều gia đình, những lúc gắn bó với nhau nhất, cần gần gũi với nhau thì mỗi người cầm một cái điện thoại” - ĐB nhận định.

Cùng quan điểm trên, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay, nhiều bậc cha mẹ còn phó mặc cho nhà trường, cho xã hội việc giáo dục đạo đức cho trẻ em. Họ không hiểu rằng, giáo dục trẻ em cần kết hợp giữa giáo dục của nhà trường, giáo dục của xã hội và giáo dục của gia đình. “Khi chở con đi ra đường, nếu cha mẹ không chấp hành luật giao thông thì nhất định sẽ tạo tấm gương xấu để con học tập, bắt chước theo. Hành động cụ thể của cha mẹ là cách giáo dục tốt nhất và việc giáo dục con em trong gia đình là vô cùng quan trọng” - ĐB Hoa nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng nhận định: Hiện tượng bạo lực ngoài xã hội cũng gia tăng chứ không riêng bạo lực học đường. Chúng ta phải nhận thấy có chuyện xuống cấp về văn hóa ứng xử chung của một bộ phận xã hội để có giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

Thảo luận tại hội trường về các vấn đề xây dựng pháp luật, có ý kiến ĐBQH kiến nghị Quốc hội phải quy định pháp luật hình sự bảo đảm tính răn đe đối với trẻ vị thành niên. ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cho biết, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, xu hướng phạm tội ngày càng trẻ hóa, tăng mạnh, manh động, rất liều lĩnh, nhất là tội phạm về ma túy, giết người cướp tài sản. Do đó, phải răn đe, ngăn ngừa, phải xử lý nhưng xử lý kết hợp với giáo dục, tạo cơ hội cho các em tiến bộ, chứ không thể bỏ lọt. Các ĐB cũng đề nghị giữ nguyên như Khoản 2, Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Quy định như vậy về cơ bản đã thể hiện được chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, hơn nữa sẽ tăng tính nghiêm minh cũng như tính răn đe, phòng ngừa.

Các ĐBQH cũng đề xuất nhiều giải pháp bên cạnh những quy định pháp luật mang tính răn đe. Trong đó, đáng chú ý, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) dẫn chứng nghiên cứu của Học viện Cảnh sát nhân dân về hoàn cảnh gia đình phạm tội với số liệu: Đối với tội phạm vị thành niên thì 11% là do bố mẹ ly hôn, 29% là do bố mẹ không đáp ứng nhu cầu, 5% là do bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và đến 45% là do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến trẻ con. Những con số này cũng đủ để nói lên việc trẻ phạm tội thì trách nhiệm bao nhiêu thuộc về trẻ và bao nhiêu thuộc về người lớn. ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng cần phải có những hành vi răn đe nhưng đồng thời phải có những giải pháp khác. “Chúng ta phải lắng nghe, quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của người lớn” - ĐB nhấn mạnh.

Hiền Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Gioi-tre/853445/ngan-chan-bao-luc-trong-gioi-tre-xu-ly-nghiem-khac-gan-voi-lang-nghe-chia-se