Ngẫm về 'Đứa con thời hậu chiến'

Nhà văn Lại Văn Long được biết đến với truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1990 - 1991. Truyện ngắn đem đến cho tác giả nhiều vinh quang trong nghề viết nhưng cũng không ít phiền toái.

Đang công tác ở tỉnh Lâm Đồng, Lại Văn Long phải về TP.HCM công tác ở báo Công an TP.HCM. Những tưởng giấc mơ sáng tác văn chương của anh chấm hết, vì nhiều người vẫn nghĩ làm báo cuốn theo thời sự không thể mơ tưởng văn chương.

Năm 2009, “kẻ sát nhân lương thiện” Lại Văn Long trở lại với tác phẩm đầy đặn - tiểu thuyết Thạch đế. Mượn các nhân vật đã đi vào cổ tích, như: Thạch Sanh, Lý Thông, Chằn Tinh…, để nói về xã hội hôm nay. Đọc Thạch đế, không còn thấy đây là chuyện cổ tích, mà rộng hơn là thời cuộc của năm châu bốn bể.

Nhà văn Lại Văn Long

Khi trở lại với Thạch đế, Lại Văn Long nói rằng: “Sau Kẻ sát nhân lương thiện, tôi từ Đà Lạt xuống Sài Gòn làm báo. Công việc báo chí để kiếm sống, lo sinh kế cho gia đình đã cuốn tôi, tôi không thể thảnh thơi suy nghĩ, mơ mộng và sáng tác. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định viết văn cả, ngược lại, càng sống tôi thấy mình càng phải “viết cái gì đó”.

Luôn trăn trở phải “viết cái gì đó” đã khiến Lại Văn Long không phải là một nhà báo “chay” chỉ biết chạy theo sự kiện. Mà, chính sự kiện và những con người trên bước đường tác nghiệp đã giúp Lại Văn Long có thêm các tác phẩm văn chương. Sau Thạch đế, Lại Văn Long đã hoàn thành tập truyện ngắn Thủy cơ và các tiểu thuyết Thánh thi, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện, Mật danh Đ9…

Mới đây, nhân dịp 40 năm Sài Gòn - Gia Định đổi tên thành TP.HCM, NXB Tổng hợp xuất bản tiểu thuyết Đứa con thời hậu chiến của Lại Văn Long. Câu chuyện này đề cao sự hòa hợp dân tộc khi cuộc chiến chống Mỹ kết thúc vào ngày 30/4/1975, nhưng những rắc rối của thời hậu chiến khiến cho cuộc sống tưởng bình yên nhưng không hề bình lặng.

Tiểu thuyết "Đứa con thời hậu chiến"

Đứa con thời hậu chiến kể về cuộc đời một cô gái sinh năm 1976, có cha là một sĩ quan chế độ cũ và mẹ là một cô gái theo cha là cán bộ miền Bắc vào tiếp quản và sống tại Sài Gòn ngay sau 30/4/1975. Nhưng mới hai ngày tuổi, cô đã bị ông ngoại đưa vào trại trẻ mồ côi vì không thể chấp nhận cháu mình là con của sĩ quan chế độ cũ.

Cô gái ấy là “đứa con thời hậu chiến”, lưu lạc trên vùng núi cao đến suốt 18 năm không biết tình mẫu tử. 18 năm sau, nhờ báo Công an TP.HCM, cô đoàn tụ với mẹ của mình, kiểu như chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly của VTV. Nhưng chừng ấy năm, cô gái không thể hòa nhập với gia đình của mình…

Nhà văn Lại Văn Long, cho biết: “Tôi đặt tên cuốn sách Đứa con thời hậu chiến trước khi chấp bút, và chỉ viết xong trong vòng 49 ngày cho gần 200 trang sách. Đây là một tiểu thuyết mỏng, viết nhanh nhưng ấp ủ đã lâu”.

Đọc Đứa con thời hậu chiến, có thể thấy thêm Lại Văn Long luôn trăn trở về chủ đề hòa hợp dân tộc sau chiến tranh. Điều này anh đã thể hiện rất rõ trong Kẻ sát nhân lương thiện mà hơn 20 năm trước, Lại Văn Long đã nhận giải Nhất truyện ngắn của một cuộc thi văn chương danh giá và uy tín lúc đó.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ngam-ve-dua-con-thoi-hau-chien-n20160715061442222.htm