Ngắm vẻ bình dị của Thu Bồn - con sông lớn nhất Quảng Nam

Sông Thu Bồn có diện tích lưu vực rộng 10,350 km2, là một trong những sông nội địa có lưu vực lớn nhất Việt Nam.

Sông bắt nguồn từ khối núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum và đổ ra biển tại cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh: Dukhach.

Trước khi đổ ra biển tại cửa Đại, một phần nước của sông chảy vào sông Trường Giang để đổ ra vịnh An Hòa Tam Quang, huyện Núi Thành. Ảnh: Gienkhan.

Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia, hợp lưu tại Đại Lộc tạo thành hệ thống sông lớn có vai trò rất quan trọng đối với đời sống và tâm hồn người xứ Quảng. Ảnh: Hoibongsen.

Phần lớn diện tích lưu vực sông chảy trong địa phận Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, phần thượng nguồn một phần nằm trên đất Kon Tum và Quảng Ngãi. Ảnh: Nhựt Trịnh Minh.

Phía Bắc sông Thu Bồn giáp lưu vực sông Cu Đê; phía Nam giáp lưu vực sông Sê San, sông Trà Bồng; phía Đông giáp biển Đông và lưu vực sông Tam Kỳ; phía Tây giáp với Lào. Ảnh: Pinguin1961.

Sông Thu Bồn là dòng chính của hệ thống sông cùng tên. Phần thượng nguồn của sông còn được gọi với một cái tên khác là sông Tranh. Ảnh: CdeHaan.

Sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh cao 2.598m thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Pinguin1961.

Phần thượng lưu, sông chảy theo hướng Nam-Bắc qua các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đước, Nông Sơn, Quế Sơn. Đến Giao Thủy sông chảy vào vùng đồng bằng các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và Thành phố Hội An. Ảnh: Diendantheky.

Chiều dài của dòng chính đến Cửa Đại dài 198 km với tổng diện tích đến Giao Thủy (nơi hợp lưu với sông Vũ Gia) rộng 3,825 km2. Ảnh: Pinguin1961.

Thượng lưu của sông Thu Bồn có các phụ lưu cấp II lớn như Sông Khang, sông Vang, sông Tranh, sông Gềnh Gềnh. Tại Giao Thủy, sông nhận nước từ phụ lưu Vu Gia tạo thành một hệ thống phân lưu khá phức tạp ở vùng hạ lưu sông. Tại thị trấn Vĩnh Điện, một phần nước của sông Thu Bồn đổ vào chi lưu Vĩnh Điện dẫn nước vào sông Hàn và đổ ra cửa Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Sơn HP.

Lưu vực sông Thu Bồn phần thượng lưu là nơi được cho là có nhiều vàng sa khoáng. Ảnh: Thanh1063.

Vùng cửa sông Thu Bồn là một vùng đất ngập nước, có nhiều cồn, với hai hệ sinh thái là rừng nhiệt đới và cỏ biển. Ảnh: CdeHaan.

Với tầm quan trọng về đa dạng sinh học và văn hóa, vùng hạ lưu sông Thu Bồn bao gồm quần thể khu đô thị cổ Hội An, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và vùng hạ lưu sông Thu Bồn được Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và tỉnh Quảng Nam lập hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ảnh: CdeHaan.

Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước cho biết, vùng hạ lưu sông Thu Bồn là nơi có khí hậu, môi trường tốt cho các loại sinh vật nước ngọt, nước mặn và cả sinh vật trên cạn sinh sống, sinh sôi nảy nở và phát triển. Ảnh: Pinguin1961.

Bên sông Thu Bồn có nhiều di tích lịch sử của vương quốc Chăm Pa cổ xưa, như thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Trà Kiệu (kinh đô cổ của Chăm Pa), cảng thị cổ Hội An (tả ngạn sông Thu Bồn, cách cửa Đại 4 km). Ảnh: Pinguin1961.

Xói lở bờ sông là vấn đề môi trường nghiêm trọng của các vùng đất nằm trong lưu vực sông. Ảnh: Pinguin1961.

Lương Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/anh-clip/ngam-ve-binh-di-cua-thu-boncon-song-lon-nhat-quang-nam/2017030511171597p1c936.htm