Ngạc nhiên với bích họa trên những vách cũ làng chài Tam Thanh

Một bãi biển không hẳn là rất đẹp, phong cảnh không có gì đặc biệt so với các làng chài miền Trung, kiến trúc cổ hoặc hoành tráng không có, di tích nổi tiếng không có nhưng Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) đang dần dần thu hút du khách trong nước và cả quốc tế.

Những không gian sắp đặt kết hợp tranh tường và tranh trên thuyền thúng bất ngờ xuất hiện trong một góc đường làng

Đang lang thang chụp mấy bức bích họa đơn sơ trên những bức tường cũ, bỗng một thanh niên hỏi tôi: “Bác ở đâu đến du lịch ạ?”. Sau khi biết tôi ở Hà Nội vào, cậu thanh niên mời “Bác đi một mình à, ăn uống thế nào? Trưa bác về nhà cháu ăn cơm”. Nhận lời qua quýt cho xong nhưng trong bụng nghĩ chắc không vào được. Gần một tiếng sau, đang loay hoay tìm góc cho một bức họa mấy con cá trong một ngõ nhỏ lại nghe tiếng sau lưng “Cơm xong rồi, mời bác về ăn”.

Ngạc nhiên và cảm kích, tôi theo cậu thanh niên về nhà. Bữa cơm với vài con cá nhỏ và đặc biệt là bát nước mắm nhĩ vàng sóng sánh đã sẵn sàng trên chiếc bàn dưới tán cây bàng mùa xuân xanh mướt. Lâu lắm rồi tôi mới có một bữa cơm ngon như vậy, cánh cửa sự hấp dẫn của Tam Thanh bắt đầu hé mở.

Khởi đầu bằng sự cởi mở

Một nhóm các nhà hoạt động xã hội và các nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc không biết vì sao lại chọn thôn Trung Thanh, Tam Thanh là nơi thực hiện dự án vẽ tranh tường như một sự khởi đầu cho việc tạo cho ngôi làng một không khí mới bằng cách đưa nghệ thuật vào cộng đồng. Nhà đang bình thường lại mất công sơn lại rồi vẽ lên chẳng biết đẹp xấu ra sao mà nào có được cái gì, thế nhưng với bản tính cởi mở hiếu khách của người miền Trung, bà con Trung Thanh cũng vui vẻ cho các nghệ sĩ trẻ thể nghiệm lên những bức tường nhà mình.

Đi trên con đường 7km dọc theo Tam Thanh, tôi bắt đầu nhận thấy sự hóa thân của những ngôi nhà đơn sơ phổ biến ở những vùng ven biển và sự khác biệt trong đời sống. Đoạn đường đi qua Trung Thanh sáng hẳn lên vì bà con tự giác sơn lại tường chờ được vẽ. Vẫn chỉ những hàng rào cũ, những bức tường cũ chắp vá bởi những căn nhà được xây nối thêm theo nhu cầu diện tích của chủ nhưng diện mạo khác hẳn.

Những ngày ở Tam Thanh tôi ngộ ra một điều: “Thế mạnh phi vật thể là lòng hiếu khách, sự chân thực, cởi mở là bí mật lớn nhất thay thế cho giá trị vật thể thu hút khách du lịch ngày càng đến đây với một tấm lòng trìu mến”.

Đi vào đến Trung Thanh thấy đoạn đường làng bỗng như một con phố, màu sắc tươi vui, đường làng cũng sạch sẽ hơn hẳn. Ban ngày thì những đoàn khách, những nhóm thanh niên ghé qua chụp ảnh với tranh tường, tối về người ta ra đường làng giao lưu, uống cà phê chuyện trò nhiều hơn.

Xưa nay bãi biển Tam Thanh vốn là nơi bà con quanh vùng và từ Thành phố Tam Kỳ đến tắm hàng ngày. Khách du lịch bắt đầu tìm đến Làng bích họa, lợi ích chưa thấy đâu nhưng niềm vui được đón khách làm bà con yêu hơn ngôi nhà của mình và những bức họa thân thiện, gần gũi trên tường nhà mặc dù cả làng chỉ có hơn 70 bức tranh, lớn thì hơn 10m2, nhỏ thì chỉ vài bông hoa trên tường.

Khách không đến chỉ để tắm biển mà đến để xem tranh trên tường. Thẩn thơ mấy ngày theo dõi những đoàn khách luồn lách trong những ngõ nhỏ làng bích họa, tôi bất ngờ nhận ra họ bị hấp dẫn bởi những bức tranh đơn sơ và gần gũi. Họ vui thích vì được đứng bên bức tranh, là một phần của bức tranh. Nhiều gia đình đã tự tay vẽ một bức tranh lên tường nhà vì mong mãi chưa thấy đoàn nào về vẽ tiếp.

Nghệ thuật đã trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống của người Tam Thanh

Nối tiếp bằng sự chuyên nghiệp

Một bên là bãi biển trải dài hàng chục cây số, một bên là con sông Trường Giang mềm mại, Tam Thanh là một doi đất cao như một con đê biển lớn. Nhưng để cảm thấy vẻ đẹp này cần có nhiều thời gian để ngóng bình minh lên khi những đoàn thuyền mang cá về sau một đêm dài lênh đênh hoặc chờ hoàng hôn thong dong buông khi những cánh rớ chậm rãi lên xuống trong những lá vàng rải trên mặt sông. Phải tò mò hơn nữa thì mới mạnh bạo thử nghiệm một chuyến ngồi trên thúng đi dọc đoạn sông thanh bình ngắm những mẻ cá mới cất hay những tấm lưng cắm cúi trên cánh đồng lồng lộng mây chiều.

Khi câu chuyện Làng bích họa được truyền thông đưa lên, khách tham quan ghé qua nhiều hơn nhưng rồi với chỉ 70 bức vẽ đơn sơ, dần dần lượng khách lại giảm. Song người Tam Thanh cũng như người Quảng Nam có cái duyên của sự chân thực, cởi mở mến khách nên một dự án khác lại đến với họ.

Từ việc thấy rõ nguy cơ mất khách do dịch vụ nghèo nàn, điều kiện thiên nhiên không thực sự nổi trội, nhưng lại có sức mạnh của một cộng đồng cởi mở, Dự án thí điểm Phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng tìm cách mang lại cho Tam Thanh một hướng đi bền vững.

Bây giờ Tam Thanh đã có thể tự tin nhận mình là làng nghệ thuật cộng đồng bởi người dân nơi đây đã hòa nghệ thuật vào đời sống của họ. Trong vòng mấy tháng, hơn 130 lượt tình nguyện viên đến Tam Thanh làm việc, 111 tác phẩm hội họa vẽ trên thuyền thúng cũ đã hoàn thành, góp thêm hàng loạt không gian tương tác với du khách.

Mỗi bức tranh là mỗi câu chuyện, góp thành cả một gia tài hội họa trong không gian mang tên “Con đường thuyền thúng”. Người dân Tam Thanh thì đóng góp thuyền, chum vại, những đồ vật sưu tầm nghề và văn hóa. Khách du lịch lại có những cơ hội không chỉ thưởng thức, tương tác với những tác phẩm hội họa mà cả những trải nghiệm mà nghệ sĩ đúc kết trong tác phẩm của họ.

Quy hoạch phát triển Tam Thanh thành một trung tâm du lịch cộng đồng cũng đã được vạch ra. Với mỗi làng, xóm là một sắc thái, một thể loại. Những gia đình làm nước mắm truyền thống được tập hợp lại thành hợp tác xã để cùng tạo thêm dịch vụ khám phá nghề này.

Những gia đình gần sông phối hợp mở hợp tác xã thuyền thúng chở khách ngắm hoàng hôn, nhà gần đường thì mở dịch vụ cho thuê xe, trông xe thuê lều cắm trại… 12 gia đình đã sẵn sàng dịch vụ trải nghiệm lưu trú gia đình (homestay). Từng nhóm, từng cụm bàn bạc đưa ra quy ước để cùng phát triển. Đi trong làng nghệ thuật Tam Thanh ai cũng sẵn sàng hỏi han và giúp đỡ khách du lịch nhưng lại sẵn sàng không làm phiền để khách du lịch tự trải nghiệm trong ngôi làng của họ.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/ngac-nhien-voi-bich-hoa-tren-nhung-vach-cu-lang-chai-tam-thanh/732273.antd