Nga, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tự do thương mại

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hé lộ kế hoạch đến thăm Trung Quốc trong tháng 5/2017 tại một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Peru. Ông Putin đã hoan nghênh đà phát triển cao trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và công nghệ cao trong mối quan hệ hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị
thượng đỉnh APEC, tổ chức tại Lima, Peru. (Nguồn: AFP).

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp bên lề của hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kéo dài hai ngày cuối tuần qua. Tổng thống Putin nói rằng ông đã chấp nhận lời mời đến tham dự các sự kiện liên quan tới việc khởi động dự án Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa, được công bố hồi năm 2013 với mục tiêu hội nhập thương mại đầu tư Á-Âu.

“Ông đã mời tôi tới Trung Quốc vào tháng Năm để tham dự các sự kiện liên quan tới thiết lập Con đường Tơ lụa. Chúng tôi đã xem lịch và mong đợi sự kiện này” - Tổng thống Putin nói với ông Tập tại cuộc họp.

Bình luận về đã phát triển nhanh trong quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung, Tổng thống Putin đã nhắc lại 25 thỏa thuận liên chính phủ liên quan tới các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, công nghiệp hạt nhân được ký kết trong một cuộc gặp mới đây giữa Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi đầu tháng 11 tại St. Petersburg.

Trong cuộc gặp lần đó, hai nhà lãnh đạo đã cùng thỏa thuận sẽ thành lập một Quỹ mạo hiểm Nga-Trung và đặt ra mục tiêu tăng thương mại lên tới 200 tỷ USD trong vòng 3-7 năm tới.

Cũng trong sự kiện trên, hai bên lên kế hoạch để thảo luận về vấn đề cung cấp khí đốt, xây dựng dự án “Sức mạnh của Siberia”. Công ty dầu khí Rosneft của Nga và Enterprises Group của Trung Quốc ký thỏa thuận về hợp tác trong kinh doanh khí đốt, bao gồm việc mua lại 20% công ty Trung Quốc. Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ đưa ra một số tuyên bố chung về việc sử dụng năng lượng nguyên tử và ký kết các văn bản liên quan.

“Mọi thứ mà chúng tôi đang làm sẽ mang lại kết quả bởi chúng tôi nhận thấy sự năng động trong quan hệ kinh tế và thương mại” - ông Putin nói, thêm rằng quan hệ hợp tác này sẽ đặc biệt trú trọng tới các sản phẩm công nghệ cao - “Chúng tôi đang xúc tiến tất cả các lĩnh vực này bất chấp nhiều khó khăn, và chúng tôi vui vẻ với điều đó, bởi nó có nghĩa rằng chúng tôi không trì trệ và đạt được các mục tiêu đã đặt ra”.

Một trong những mục tiêu chiến lược của dự án Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa chính là nối liền châu Âu và các quốc gia châu Á bằng một tuyến hành lang giao thông, năng lượng và thương mại. Hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Putin từng hoan nghênh dự án này như một chương trình đầy hứa hẹn có lợi ích cho cả đôi bên, nói rằng “dù tuyến đường này dẫn tới đây, đầu tiên nó phải đi qua các lãnh thổ láng giềng”.

Trong khung làm việc của dự án này còn bao gồm cả hệ thống Hyperloop để chuyển hàng hóa và phục vụ hành khách với vận tốc lên tới 1.200 km/giờ. Tuyến đường vận chuyển công nghệ cao được xây dựng nhằm thúc đẩy sự di chuyển của hàng hóa trên Con đường Tơ lụa.

Được biết, một biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Summa và Hyperloop One ở Los Angeles (Mỹ) đã được ký kết trong Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg để xây dựng một hệ thống di chuyển công nghệ cao tương tự ở thủ đô Moscow, Nga đầu tiên.

Trước đó, theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh và Moscow sẽ thúc đẩy một khu vực thương mại tự do ở vùng châu Á - Thái Bình Dương. Lời kêu gọi thành lập khu vực thương mại tự do trong khu vực diễn ra trong bối cảnh chủ trương bảo hộ thương mại đang mạnh lên ở Mỹ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump. Điều này đe dọa đến tương lai của nhiều hiệp định thương mại tự do Mỹ đang và sẽ tham gia.

Trong bài diễn văn hôm 19/11 tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ thúc đẩy thương mại và hợp tác toàn cầu bằng việc tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa và trao nhiều quyền lợi hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bắc Kinh hiện đang thúc đẩy hai giải pháp khác thay thế cho TPP, một là Vùng Thương mại Tự do (gọi tắt là FTAAP) với 21 thành viên và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (gọi tắt là RCEP) với 16 thành viên, đáng chú ý là RCEP sẽ có Ấn Độ tham gia nhưng không có Mỹ.

Hiện, Nga và Trung Quốc đang cùng thực hiện hơn 60 dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn trị giá hàng chục tỷ USD. Lãnh đạo Nga đã bày tỏ hài lòng về hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc, mặc dù tình hình trong năm 2015 có đôi chút bất lợi, tuy nhiên kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đã đạt trên 40 tỷ USD.

Khánh Duy

Từ khóa

APEC 2016 Peru Tập Cận Bình Vladimir Putin

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/nga-trung-quoc-tiep-tuc-thuc-day-tu-do-thuong-mai/135768