Nga - Trung 'kết tội' Mỹ làm phức tạp hóa tình hình châu Á

Tình hình Biển Đông ngày 12/10: Cựu Thủ tướng Australia Robert Hawke nhấn mạnh các tranh chấp trên Biển Đông nếu như không được giải quyết thỏa đáng, có thể trở thành "điểm nóng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc", kéo theo sự rối loạn trong toàn khu vực

Hôm 11/10, Trung Quốc lại tiếp tục lên tiếng chỉ trích Mỹ can thiệp vào tình hình châu Á trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc vẫn không ngừng gia tăng liên quan tới các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và phương án kiềm chế các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Phát biểu tại Hội thảo quốc phòng Tượng Sơn lần thứ 7 ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, nhấn mạnh Mỹ đang can thiệp vào các điểm nóng gần đây tại châu Á. "Một số quốc gia muốn tìm cách chiếm ưu thế quân sự hoàn toàn bằng cách tăng cường sức mạnh quân sự một cách đầy bất cẩn cho các quốc gia đồng minh. Họ cũng tìm cách đảm bảo an ninh tuyệt đối cho mình bất chấp an ninh của quốc gia khác", Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói.

Tàu quân sự Mỹ và Nhật Bản cùng hoạt động trên Biển Đông.

Với mục đích bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, Mỹ đã tiến hành 3 cuộc tuần tra gần các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trong vùng biển chiến lược ở châu Á. Ngoài ra, Washington còn triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này.

Trong khi đó, mục tiêu chiến lược "trục châu Á" của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama là nhằm tăng cường mối quan hệ quân sự và kinh tế với các nước trong khu vực, cũng khiến Bắc Kinh quan ngại Washington đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc số 1 châu Á.

Cuộc họp hôm 11/10 với chủ đề "xây dựng các mối quan hệ quốc tế kiểu mới" diễn ra sau một năm căng thẳng trên Biển Đông không ngừng leo thang liên quan tới các hành động đơn phương của Trung Quốc như cải tạo và xây đảo nhân tạo phục vụ mục đích quân sự.

Thậm chí, sau phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn không ngừng các hành động sai phạm.

Về phần mình, Washington nhấn mạnh các động thái của Bắc Kinh đang thách thức quyền tự do đi lại trên Biển Đông. Để ngăn chặn hành động bành trướng của Trung Quốc, Mỹ đã triển khai tàu quân sự và máy bay tới khu vực Biển Đông.

Phát biểu trong cuộc họp hôm 11/10, cựu Thủ tướng Australia Robert Hawke nhấn mạnh các tranh chấp trên Biển Đông nếu như không được giải quyết thỏa đáng, có thể trở thành "điểm nóng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc". Cũng theo ông Hawke, "các tranh chấp chủ quyền còn có thể gây ra sự rối loạn cho toàn hệ thống trật tự khu vực".

Hiện tại, Trung Quốc đang vô cùng lo lắng sau khi Hàn Quốc quyết định để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ THAAD nhằm đối phó với chương trình hạt nhân đầy tham vọng của Triều Tiên. Ngay cả Nga cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh.

Phát biểu trong cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, ông Anatoly Antonov nhấn mạnh: "Chúng tôi đặc biệt quan ngại trước nỗ lực làm phức tạp thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên từ một số quốc gia. Quyết định này đã làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực cũng như cản trở tiến trình giải quyết vấn đề".

Hồi tháng Chín, Triều Tiên đã cho tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5, buộc cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích đồng thời thảo luận tăng cường thêm lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Times of India, một nhật báo tiếng Anh được đọc nhiều nhất ở Ấn Độ.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nga-trung-ket-toi-my-lam-phuc-tap-hoa-tinh-hinh-chau-a-post211269.info