Nga – Trung ăn chia lợi ích xâm chiếm Biển Đông

Không có tình bạn vĩnh cửu, chỉ có lợi ích quốc gia là mãi mãi. Những biến động, căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, âm mưu mở ảnh hưởng của các cường quốc đã đẩy Trung Quốc và Nga gần nhau hơn bất chấp những đối nghịch giữa hai cường quốc này.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu đầu tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã nhấn mạnh trước Tổng thống Vladimir Putin: Nga là một vị khách. Trong khi đó, chủ nhân điện Kremlin đáp trả: “Trung Quốc là một đối tác toàn diện và hai bên có mối quan hệ hợp tác chiến lược”. Tạp chí Nationalinterest nhận định: Cả Nga và Trung Quốc đều cho rằng mối quan hệ song phương của hai bên đang ở mức “hay nhất mọi thời đại”, giai đoạn có độ tin cậy cao chưa từng có.

Quan hệ Nga – Trung tiếp tục tăng cường nhằm kết hợp đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như hạn chế chính sách mở rộng của NATO ở châu Âu. Trong thời gian qua, Nga tổn thương nghiêm trọng bởi những chính sách trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Xuất phát từ chính sách sát nhập Crimea và can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Nga lĩnh đủ. Đồng Rúp bị trượt giá, thị trường xuất khẩu năng lượng bị thu hẹp trầm trọng. Chính vì vậy, Nga cần tìm một lối thoát, Trung Quốc mau mắn trở thành bạn hàng. Nước này đã ký kết một hợp đồng lớn về nhập khẩu khí đốt từ Nga. Ngược lại, Bắc Kinh cũng là một thị trường lớn về sản xuất các loại vũ khí và công nghệ có lợi cho chính sách phát triển quân sự của Nga.

Dẫu vậy, Nga- Trung luôn đồng sàng dị mộng, bất đồng lợi ích. Với chính sách “Một vành đai, một con đường” (Nhất đới nhất lộ / One belt, one road), mục đích nhằm mở rộng ảnh hưởng sang Trung Á của Bắc Kinh, Moscow luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cải thiện “tình bạn” với Trung Quốc. Để tỏ ra thân thiết hơn, Nga đã quan tâm đến những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Trên Biển Đông, Nga dù không được tham gia vào những tranh chấp giữa các nước, không được đứng về phía nào nhưng nước này đã luôn phản đối sự tham gia của bên thứ ba.

Tổng thống Putin đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm ủng hộ lập trường của Trung Quốc về phán quyết PCA trong vụ tranh chấp chủ quyền với Philippines trên Biển Đông.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Nga đang vuốt ve Trung Quốc, thậm chí sẵn sàng làm tổn thương tình hữu nghị truyền thống với nước khác. Việt Nam và Nga từng thỏa thuận rằng những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan. Nhưng thực tế, National Interest nhấn mạnh Nga không hề coi trọng vị trí của Việt Nam mặc dù nước này có lợi ích trên biển, liên quan đến tự do hàng hải và hàng không.

Những yêu sách ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông đều nhằm mở rộng chủ quyền, tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo thành những khu căn cứ quân sự. Mục đích cuối cùng là hạn chế di chuyển của Mỹ và tàu hải quân các nước. Nói cách khác, hành động của Bắc Kinh đã đe dọa tự do hàng hải và hàng không của những nước ngoài khu vực. Vì vậy, Nga là bên thứ ba “ngư ông đắc lợi”, Putin ủng hộ tự do hàng hải của hải quân Nga nhưng sẽ không quan tâm nếu Trung Quốc gây khó khăn cho Hải quân Mỹ.

Mặc dù Nga – Trung gần gũi hơn, nhưng vẫn rất cẩn trọng, dè chừng, không sử dụng từ liên minh để mô tả quan hệ chính trị và quân sự của hai bên. Từ liên minh thường được sử dụng nhằm hướng vào bên thứ ba, liên quan đến những cam kết đáp ứng, cùng hành động chung nếu một bên bị tấn công. Như vậy, liên minh Nga – Trung sẽ rõ ràng hơn khi có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nhằm vào Mỹ. Khi giả thuyết liên minh giữa hai bên thành hiện thực sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu, căng thẳng leo thang và làm tăng nguy cơ xung đột trên Biển Đông, nơi cả ba cường quốc đều có nhiều lợi ích. Tất nhiên, những nước nhỏ bé xung quanh sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục bắt tay nhau khi có lợi ích chung, cùng phối hợp hành động và hợp tác về an ninh, đề ra chiến lược đối phó diễn biến gây nguy hại cho quốc gia. Đặc biệt là tên lửa phòng thủ đạn đạo của Mỹ ở châu Âu và THAAD (Terminal High Altitude Air Defense) tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Nga vẫn một mặt hợp tác với Mỹ, cùng chống lại những xung đột ở Syria. Trong khi Trung Quốc và Mỹ hợp tác về nhiều vấn đề quốc tế: biến đổi khí hậu, đối phó với Triều Tiên….

Hương Nguyên

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/nga-%e2%80%93-trung-an-chia-loi-ich-xam-chiem-bien-dong