Nga: Tòa án hình sự Quốc tế 'đã không còn thực sự độc lập'

Nga hôm 16/11 tuyên bố họ chính thức rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) theo một sắc lệnh của Tổng thống Vladmir Putin, chỉ một ngày sau khi tòa án đưa ra một báo cáo nói rằng việc Crimea trở lại thành một phần của nước Nga là hành động “chiếm đóng”.

Nga quyết định rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sau nhiều phán quyết “phiến diện” của cơ quan này. (Nguồn: Reuters).

Việc Nga rút khỏi ICC được coi là gây ảnh hưởng đối với một thể chế đang duy trì trật tự pháp lý trên toàn cầu. Ngoài ra, trong những tháng gần đây, 3 quốc gia châu Phi vốn là các thành viên của ICC gồm Nam Phi, Burundi và Gambia cũng đánh tín hiệu về dự định rút khỏi, sau khi phàn nàn rằng ICC đưa ra hàng loạt các cáo buộc đối với lục địa này.

Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một tuyên bố chính thức hôm 16/11 về sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, nói rằng tòa án này đã không đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế và lên án hoạt động của họ là “phiến diện và không hiệu quả”.

Nga đã ký kết Quy chế Rome trong năm 2000 và kể từ đó hợp tác với ICC, nhưng không phê chuẩn hiệp ước này, bởi vậy vẫn nằm ngoài quyền lực pháp lý của tòa án trên. Điều này có nghĩa rằng động thái của Moscow, dù chỉ mang tính biểu tượng, sẽ không có sự thay đổi nhiều.

Hồi tháng 1 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga từng nói rằng họ sẽ cân nhắc lại thái độ của họ đối với tòa án, sau khi tòa án đưa ra một phán quyết liên quan tới cuộc chiến giữa Nga và Georgia hồi năm 2008.

Vào thời điểm đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nói: “Nga là khởi nguồn của ICC, đã bỏ phiếu để thành lập nó và luôn hợp tác với cơ quan này. Nga từng hy vọng ICC sẽ trở thành một nhân tố quan trọng trong việc duy trì luật pháp và sự ổn định của quan hệ quốc tế”.

“Nhưng không may thay, đối với chúng tôi, điều đó không xảy ra. Về điều này, và sau quyết định mới nhất, Nga sẽ buộc phải xem xét lại thái độ của mình đối với ICC” - bà Zakharova từng nói.

Hôm 15/11 vừa qua, ICC, có trụ sở tại The Hague (Hà Lan), đã công bố một báo cáo trong đó coi việc Crimea trở thành một phần nước Nga là một cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, và xem nó là hành động chiếm đóng.

“Theo các thông tin nhận được, tình hình ở Crimea và Sevastopol cũng tương tự như một cuộc xung đột vũ trang quốc tế giữa Ukraine và Nga” - báo cáo sơ bộ đến từ công tố viên ICC Fatou Bensouda có nêu - “Nga đã triển khai một số lượng binh sỹ để chiếm quyền kiểm soát nhiều phần lãnh thổ Ukraine mà không được sự tán thành của chính phủ Ukraine”.

Trong khi đó, Crimea đã trở lại thành một phần của nước Nga sau khi người dân nước này tham gia một cuộc trưng cầu dân ý và Nga cũng đã khẳng định điều này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã gọi phán quyết này là “mâu thuẫn với thực tế, mâu thuẫn với quan điểm của Nga và quan trọng nhất là đi ngược lại quan điểm của người dân Crimea, đã được thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý”.

Ông Peskov thêm rằng, các bình luận mà báo cáo của ICC đưa ra liên quan tới vùng Donbass (Ukraine) cũng đi ngược với thực tế bởi cuộc chiến ở miền Đông Ukraine là một cuộc xung đột nội bộ. Tuy nhiên, theo vị quan chức, quyết định của Nga trong việc không thông qua Quy chế Rome không liên quan gì tới vấn đề này.

Ngoài việc bất bình về sự không nhất quán của ICC, Nga cũng tỏ ra thất vọng đối với một số phán quyết của ICC, trong đó gồm cuộc điều tra cuộc xung đột giữa Nam Ossetia và Georgia năm 2008.

Vào thời điểm đó, lực lượng vũ trang Georgia đã tổ chức pháo kích vào thủ phủ của Nam Ossetia, Tskhinval. Một căn cứ lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga và nhiều khu vực có thường dân sinh sống của thành phố này đã hứng đòn, buộc Moscow lúc đó phải tiến hành chiến dịch thực thi hòa bình ở Georgia.

Sau đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra về cuộc xung đột này và kết luận rằng nó khởi nguồn bởi Georgia, và coi hành động của Tbilisi là phi lý. Nhưng dù vậy, ICC vẫn quyết định mở lại một cuộc điều tra về cuộc xung đột này vào năm ngoái, tập trung vào các hành động của binh sỹ Nga và Nam Ossetia.

Nga không thể thờ ơ trước phán quyết của ICC liên quan tới các sự kiện diễn ra hồi năm 2008. Moscow khẳng định rằng chính quyền Saakashvili đã tấn công vào thành phố đang hòa bình Tskhinval, ám sát lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, trong khi ICC lại ra phán quyết bất lợi cho binh sỹ Nga và Nam Ossetia.

“Chính phán quyết này đã nói lên tất cả. Chúng tôi khó có thể tin tưởng ICC trong tình huống này” - Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ - “ICC đã không được như kỳ vọng là sẽ trở thành một thể chế pháp lý hoàn toàn độc lập”.

Khánh Duy

Từ khóa

Nga Tòa án hình sự quốc tế ICC Vladimir Putin

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/nga-toa-an-hinh-su-quoc-te-da-khong-con-thuc-su-doc-lap/135253