Nga sẽ trở thành chìa khóa cân bằng ngoại giao của Duterte

Giảm phụ thuộc vào Mỹ, gần gũi hơn với Trung Quốc, nhưng Nga sẽ là đối tác tạo nên sự cân bằng trong cán cân ngoại giao của ông Duterte.

Chưa đầy 6 tháng nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bắt tay vào thực hiện một chính sách ngoại giao nhiều mạo hiểm.

Tháng 9/2016, ông tuyên bố Philippines sẽ không quá phụ thuộc vào Mỹ khi cho biết có thể dừng lại các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông. Đồng thời nhà lãnh đạo lên kế hoạch tăng cường các mối quan hệ gần gũi hơn với Nga và người láng giềng Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Trong đó người ta chú ý nhiều đến sự hiện diện của Moscow trong kế hoạch tương lai của Manila.

Theo đó Duterte cho biết sẽ tăng cường quan hệ với Nga đặc biệt trên hai lĩnh vực quốc phòng và kinh tế. Trong lĩnh vực quân sự, Duterte tiết lộ ý định lần đầu tiên mua sắm các loại vũ khí từ Nga thay vì nguồn cung duy nhất từ Mỹ. Đổi lại, Nga sẽ cung cấp cho các điều kiện tín dụng thuận lợi cho Philippines, với ưu đãi trả nợ tới năm 2025.

Nhà phân tích chính sách Đông Á, Anthony V. Rinna từ viện Sino-NK nhận định, Nga sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ mối quan hệ quốc phòng ngày càng gần gũi giữa hai nước, điều có thể giúp Moscow nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, chuyên gia Rinna cho rằng Nga chưa bao giờ thể hiện rõ quan điểm đứng về bên nào, mà thay vào đó luôn tôn trọng việc giải quyết riêng của các bên.

Moscow chỉ đơn giản là dành một phần ủng hộ cho Trung Quốc ở khía cạnh phù hợp với lợi ích của mình sau này, mà không nói nhiều đến các tranh chấp.

Điều này cho thấy sẽ không có lý do gì ngăn cản việc Manila và Moscow xích lại gần nhau hơn. Trên thực tế việc có thêm một đối tác ở châu Á như Philippines là điều được Moscow coi trọng.

Philippines tìm đến Nga để tạo thế cân bằng với Trung-Mỹ?

Triển vọng về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Philippines và Nga đã được nhiều người nhìn ra từ trước khi ông Duterte nhậm chức. Chính quyền của ông cũng đã không bỏ lỡ cơ hội dễ nắm bắt này.

Nga có thể cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không cho Philippines.

Trước đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã gặp người đồng cấp Philippines Raymundo Elefante tại một trong những hội chợ quân sự năm 2016 được tổ chức tại Moscow.

Hai bên bày tỏ quan tâm trong hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn và tăng cường đối thoại về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu.

Antonov cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hình thành các quy tắc chung dựa trên sự hợp tác trong quan hệ quốc phòng Philippines-Nga.

Có ý kiến nói rằng Duterte đang quay ngoắt 180 độ sang kình địch trực tiếp của Washington là Moscow, nhưng điều này không chính xác vì hai lý do chính.

Đầu tiên, ý tưởng về hợp tác quốc phòng Philippines-Nga gần gũi hơn không phải là điều quá mới mẻ. Và lý do thứ hai, Manila không từ bỏ Washington mà chuyển đổi từ hợp tác đơn phương với Mỹ sang một chính sách ngoại giao đa dạng hơn.

Philippines không có kế hoạch để gia nhập vào một khuôn khổ hạn hẹp của một cường quốc như Mỹ, hoặc riêng Trung Quốc hay riêng Nga. Điều này được giới quan sát đánh giá là hướng đi tích cực. Tuy nhiên việc mở rộng sang Nga có khả năng đi ngược lại lợi ích của hai quốc gia còn lại.

Trong năm 2014, Phó Giám đốc Sở hợp tác quân sự-kỹ thuật Nga, Konstantin Biryulin, nói rằng cơ quan này đang xem xét cung cấp cho Philippines các tên lửa đất-đối-không và một số hệ thống radar tân tiến.

Biryulin cho biết kinh nghiệm của Nga sẽ giúp đỡ nhiều cho các tranh chấp biên giới hàng hải mà Philippines đang phải đối mặt.

Nga sẽ là nhà cung cấp tiềm năng về vũ trang quân sự cho Philippines (bên cạnh đồng minh Mỹ) tạo nên thế mạnh cần thiết so kè với sự cứng rắn của Trung Quốc trong khu vực.

Nhìn ở góc độ gần gũi hơn, hợp tác với Moscow không phải là một thảo thuận mang tính phá hoại mối quan hệ giữa Manila và Washington.

Trước đó một tháng, Duterte đã kêu gọi lực lượng đặc biệt của Mỹ rời khỏi Philippines. Đây không phải là lần đầu tiên quan hệ quốc phòng Philippines-Mỹ gặp phải những bấp bênh như vậy.

25 năm trước, quân đội Mỹ đã bị đuổi khỏi căn cứ hải quân Subic Bay. Nhưng vào đầu năm 2016, Tòa án tối cao Philippines đã hoàn toàn đồng thuận cho phép các lực lượng Mỹ quay trở lại.

Biến Đông là một phần trong mối quan hệ quốc phòng Philippines-Mỹ trong giai đoạn hiện tại, do vậy nó không nằm trong ngụ ý "đuổi đi" của Duterte.

Chính sách ngoại giao hướng Nga của nhà lãnh đạo Maniala sẽ không tạo nên sự xung đột với các quốc gia khác. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản là sự khởi đầu cho cách tiếp cận đa chiều hơn về vấn đề quốc phòng.

Nga sẽ trở thành đối tác giúp cân bằng các mối quan hệ của nước này với Mỹ và Trung Quốc.

Duterte có thể đã tâm niệm ngay từ đầu rằng sẽ muốn giảm sự phụ thuộc vào Washington. Tuy nhiên, ông có thể cũng đã tính toán rằng khi những căng thẳng tiếp tục phát triển, đa phương luôn là cách tốt nhất nên đi theo.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nga-se-tro-thanh-chia-khoa-can-bang-ngoai-giao-cua-duterte-a303129.html