Nga sẽ thay thế OPEC?

Sau khi tuyên bố chung “Về sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng” được Nga và Arập Xêút ký kết, dường như đã xuất hiện một cục diện thay thế cho vai trò của OPEC, tình hình trên thị trường dầu kỳ vọng phát triển tích cực.

Trong bài báo với tựa đề “Nga chuẩn bị thay thế cho OPEC”, tác giả Ivan Roschepiya viết:

“...Tất cả không phụ thuộc vào lời nói mà vào hành động, thậm chí trong ngắn hạn. Tuyên bố chung Nga - Arập Xêút đã được thị trường đón nhận tích cực, giá dầu tăng ngay 5%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào hành động thực tế của Nga, Arập Xêút và các nước khác, cũng như phụ thuộc việc đối thoại giữa các bên có hiệu quả hay không”.

Vào tháng 10 sẽ có cuộc họp của nhóm công tác về hợp tác dầu khí Nga - Arập Xêút, nhưng những gì đang xảy ra từ bây giờ?

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak đã tuyên bố như sau về thỏa thuận với Arập Xêút: “Sự phối hợp của chúng tôi sẽ rất quan trọng để đảm bảo ổn định thị trường”.

Tình hình đã ổn định trông thấy

Những tín hiệu lạc quan đầu tiên đến từ Iran. Mặc dù các đầu nậu dầu Iran khăng khăng rằng, nước này cần đạt mức sản xuất 4,2-4,3 triệu thùng dầu mỗi ngày thì mới có thể yên tâm, Tehran vẫn quyết định kìm hãm sản lượng dầu. Chỉ số 3,64 triệu thùng dầu thô mỗi ngày hồi tháng 6 đã giảm xuống còn 3,63 triệu thùng/ngày trong tháng 8.

Ngoài ra, theo truyền thống, Iran không bao giờ phản đối ý tưởng đóng băng và đã đồng ý với đề nghị của Algeria thiết lập giá dầu ở mức 50-60USD mỗi thùng.

Điều quan trọng cần lưu ý là Nhà máy Điện nguyên tử Bushehr-1, do Nga giúp xây dựng, đã mang lại cho Iran một không gian dễ bề cơ động. Phó tổng thống phụ trách Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, Ali Akbar Salehi cho biết, trong năm 2015, Bushehr-1 đã giúp cho đất nước này giảm được 11 triệu thùng dầu trong lĩnh vực sản xuất điện cho nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, Rosatom (Cơ quan năng lượng nguyên tử Nga) cũng đã sẵn sàng cho việc ký hợp đồng xây dựng 16 nhà máy điện hạt nhân ở Arập Xêút.

Sản xuất dầu ở Arập Xêút

Nhiều nước đồng loạt ủng hộ ổn định thị trường

Vua Bahrain, Hamad bin Isa Al Khalifa trong chuyến thăm Moskva cũng đã ký kết nhiều văn bản thỏa thuận quan trọng. Đặc biệt đáng chú ý là biên bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu địa vật lý để thăm dò và khai thác dầu khí, cũng như một biên bản ghi nhớ giữa Gazprom và FOOT Holding về vấn đề khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Bahrain cũng tích cực ủng hộ thỏa thuận của Nga và Arập Xêút.

Ông Butrefa Noureddine, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Algeria, nước chủ nhà của Diễn đàn Năng lượng quốc tế (sẽ diễn ra cuối tháng 9), cũng ghi nhận đã có sự thông hiểu lẫn nhau giữa các nước sản xuất dầu mỏ: “Chúng tôi ủng hộ sự giao tiếp tích cực với các nước thành viên OPEC và với Tổng thư ký của tổ chức này, đó là một phần công việc của chúng tôi để đạt được một sự đồng thuận và tôi lạc quan về điểm này. Kế hoạch ổn định thị trường được ủng hộ bởi Arập Xêút, Qatar, Iran, Venezuela, Kuwait và cả Nga, một quốc gia ngoài OPEC”.

Ngay cả Iran, như đã nói ở trên, dù có chủ trương gia tăng sản xuất đến mức trước cấm vận, cũng không bị lên án mạnh: “Chúng tôi, Algeria, cho rằng Iran có quyền tăng sản lượng dầu lên đến mức bình thường của mình. Nhưng mặt khác, làm như vậy, Iran sẽ được lợi ích gì? Nếu có thì cũng chỉ là lợi ích cục bộ. Chúng tôi tiếp tục thảo luận về vấn đề này và hy vọng sẽ đạt kết quả. Iran cho rằng giá từ 50 đến 60USD/thùng sẽ được chấp nhận, nhưng giá đó phải được liên kết với mức sản xuất”.

Iraq, vốn luôn có xu hướng tăng mức sản xuất và không gặp vấn đề gì trong việc bán dầu, cũng đồng ý tham gia vào thỏa thuận chung. Người đứng đầu công ty nhà nước State Oil Marketing Organization của Iraq, Falah Alamri, dù đã công bố kế hoạch gia tăng sản xuất dầu trong năm 2017, vẫn nhất trí với khả năng đóng băng khai thác, nếu điều đó giúp ổn định thị trường.

Thỏa thuận chung của Nga và Arập Xêút cũng được Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo và bộ trưởng năng lượng Qatar và Algeria ủng hộ.

Mỹ đã kiệt sức với giá dầu

Gần đây Mỹ đã tích cực dự trữ dầu và chờ đợi việc Nga sẽ kiệt sức. Nhưng rồi chính Mỹ đã kiệt sức trước. Cố vấn về năng lượng của ứng viên tổng thống Trump, ông Harold Hamm đã chỉ ra rằng, mức độ sản xuất dầu của các công ty Mỹ đã giảm và ủng hộ ý tưởng của việc hạn chế sản lượng để tăng giá dầu.

Một sự đồng thuận cao như vậy đã giúp đẩy chỉ số giá dầu theo hướng tăng lên.

Cần lưu ý, sản lượng dầu của Nga đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1991. Hiện nay với mức khai thác đến 11 triệu thùng mỗi ngày, Nga đã có thể đóng băng sản xuất để tăng giá. Nhìn chung, tình hình là tương đối khả quan, nhưng kết quả cuối cùng có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn vào cuối tháng, sau cuộc họp tại Algeria.

Trong khi đó, theo các phương tiện truyền thông Nga, trích dẫn nguồn tin phương Tây, OPEC sẽ giảm sản lượng dầu tới mức tối thiểu của 3 tháng. Như vậy, mức giảm của các nước thành viên OPEC trong tháng 8 là 200.000 thùng một ngày, chỉ còn 33 triệu và đó là chỉ số thấp nhất kể từ tháng 5 năm nay. Kết quả này có được là do Arập Xêút, UAE, Kuwait và Qatar chủ động giảm sản xuất. Theo OPEC, những dữ liệu này cho thấy các nước trong Tổ chức đã sẵn sàng hợp tác đóng băng khai thác.

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/nga-se-thay-the-opec-481231.html