Nga nói về vụ phi cơ lượn “trêu ngươi” gần tàu Mỹ

Nga nói đã cân nhắc tất cả các biện pháp an toàn cần thiết khi cho một chiến đấu cơ lượn thấp sát trên đầu một khu trục hạm của Mỹ ở hải phận quốc tế trên Biển Baltic hôm thứ Hai, theo BBC.

Hình ảnh của hải quân Mỹ chụp một phi cơ có vẻ là một oanh tạc cơ SU-24 của Nga bay lượn sát tàu khu trục Mỹ hôm 12/4/2016. Ảnh Reuters Us navy

Theo Bộ Quốc phòng Nga, chiếc cường kích Su-24 đã “chấp hành tất cả” các biện pháp an toàn, sau khi áp sát, rồi lượn bay xa khỏi tàu USS Donald Cook.

Chiếc khu trục hạm của Mỹ vừa rời cảng Gdynia của Ba Lan và đang trong hải trình ở gần một căn cứ hải quân của Nga, Bộ Quốc phòng Nga nói.

Theo CNN, tàu Mỹ đang có một trực thăng Ba Lan diễn tập hạ cánh và theo các quan chức Mỹ thì hành động của Nga là "gửi thông điệp đến cho Ba Lan".

Nga đã bị chỉ trích về vụ để phi cơ ‘lượn thấp’ sát sạt này với tàu Mỹ, điều mà một quan chức Hoa Kỳ gọi là "một trong những hành vi hung hăng nhất trong thời gian gần đây".

Hai phản lực cơ của Nga đã bay lượng trên tàu khu trục Mỹ gần một chục lần, các quan chức Mỹ cho biết.

Đã có lúc khoảng cách chỉ khoảng 9 mét, khi các phi cơ của Nga lượn gần chiếc khu trục và làm dậy sóng xung quanh tàu chiến Mỹ.

Các phi cơ không mang theo vũ khí mà có thể nhận diện bằng mắt thường và chiếc khu trục hạm không có hành động nào.

Bộ Quốc phòng Nga nói:

"Sau khi phát hiện tàu Mỹ, phi công Nga đã bay đi và tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn.

"Tất cả các chuyến bay của phi cơ Nga tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế về việc sử dụng không gian phía trên các vùng biển trung lập."

'Tấn công mô phỏng'

Chỉ huy khu trục hạm Donald Cook mô tả các chuyến bay như một "cuộc tấn công mô phỏng".

Các đường bay lượn ngang là "không an toàn, có khả năng khiêu khích" và "có thể đã gây ra một tai nạn," các quan chức Mỹ lên tiếng trong một thông cáo.

Hành động của các phản lực cơ của Nga có thể đã vi phạm một thỏa thuận năm 1970 nhằm ngăn ngừa sự cố nguy hiểm trên biển, nhưng hiện chưa rõ liệu phía Mỹ có phản đối hay không.

Một trực thăng làm nhiệm vụ chụp ảnh của Nga cũng đã bay ngang qua đầu tàu Mỹ tới bảy lần.

Theo phân tích của phóng viên Gary O'Donoghue của BBC News từ Washington D.C., thì những vụ va chạm rất gần này giữa các lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh với Nga đã leo thang đáng kể trong hai năm qua, kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, động thái phá vỡ đáng kể mối quan hệ giữa Đông và Tây.

Va chạm, đụng độ có nhiều hình thức khác nhau. Chúng có thể là các hành vi vi phạm không phận quốc gia; các va chạm trên không tránh được trong gang tấc, cuộc cuộc chạm trán trên biển và các cuộc tấn công mô phỏng.

Các sự kiện diễn ra trên một diện tích rộng - trong và xung quanh các quốc gia Baltic; bên trong biển Baltic; Biển Đen và thậm chí gần Stockholm, khi các nhà chức trách Thụy Điển tin rằng một tàu ngầm của Nga đã vi phạm lãnh hải của họ vào năm 2014.

Nhắc nhở sức mạnh

Các nhà phân tích quốc phòng coi các sự kiện và tình huống như một lời nhắc nhở về sức mạnh quân sự của Nga.

Nhưng tần suất của các tình huống như vậy làm nhiều người lo sợ rằng một cuộc đối đầu đầy đủ - dù vô tình hay hữu ý - chỉ là vấn đề thời gian giữa hai cường quốc quân sự lớn nhất thế giới.

Khu trục hạm Donald Cook đang tiến hành tập trận hạ cánh trên boong với một trực thăng quân sự của đồng minh (Ba Lan) khi các phản lực cơ của Nga lượn sát trên đầu, theo một tuyên bố từ Bộ Tư lệnh châu Âu của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã dừng các hoạt động bay từ con tàu cho đến khi các phi cơ của Nga rời khỏi khu vực.

Ngày hôm sau, một trực thăng KA-27 của Nga đã bay vòng tròn ở độ cao thấp xung quanh khu trục hạm, sau khi đã có nhiều hơn các vụ phản lực cơ của Nga lượn sát thấp.

Chiếc trực thăng này đã không đáp ứng các cảnh báo an toàn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nga.

LÊ HẰNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/nga-noi-ve-vu-phi-co-luon-treu-nguoi-gan-tau-my-1677884.html