'Nga-Mỹ-Trung sẽ quyết định tương lai thế giới'

Trật tự thế giới đang trải qua giai đoạn biến đổi, từ đơn cực trở thành đa cực - từ phụ thuộc Mỹ trở thành phụ thuộc cả Nga và Trung Quốc.

Ngày 27-10 tại TP Sochi (vùng Krasnodar, Nga), các chính trị gia và chuyên gia từ 35 nước trong đó có Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc đã cùng tham gia CLB bộ thảo luận quốc tế Valdai lần thứ 13.

Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai diễn ra hằng năm tại Nga, mục tiêu nhằm chia sẻ quan điểm về các thách thức toàn cầu. Các thách thức được đề cập trong cuộc thảo luận năm nay là các thay đổi không thể đảo ngược trong chính trường thế giới, dự đoán các thay đổi trong trật tự chính trị toàn cầu trong tương lai gần sắp tới.

Tham dự cuộc thảo luận, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng sự thay đổi là cần thiết, tuy nhiên đó nên là sự tiến hóa, chứ không phải là sự cách mạng.

Tổng thống Nga Putin (thứ hai bên trái) thảo luận cùng các chuyên gia tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai tại Sochi (Nga) ngày 27-10. Ảnh: SPUTNIK

Giáo sư khoa học chính trị John Mearsheimer tại ĐH Chicago (Mỹ) cho rằng trật tự thế giới hiện tại đang trải qua một giai đoạn biến đổi, từ cấu trúc đơn cực trở thành đa cực - các vấn đề chủ chốt phụ thuộc Mỹ trở thành phụ thuộc cả Nga và Trung Quốc.

Theo ông, tình hình này sẽ buộc các lãnh đạo ba nước Mỹ, Nga, Trung Quốc cẩn trọng trong việc ra những quyết định quan trọng, chiến lược trong quan hệ với nhau, vì chúng sẽ định hình trật tự chính trị toàn cầu trong tương lai.

Ông cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ không tránh khỏi xung đột nếu ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế và chính trị ở Đông Nam Á tiếp tục tăng. Tình hình xấu đi trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ buộc Nga phải có quyết định làm thế nào để bảo vệ tốt nhất quyền lợi quốc gia mình.

“Nga có ba lựa chọn: Một, làm đồng minh với Trung Quốc. Hai, làm đồng minh với Mỹ - đồng nghĩa với việc tham gia vào liên minh chống Trung Quốc. Và ba là Nga duy trì thế trung lập đồng thời khuyến khích Mỹ và Trung Quốc ngày càng đối đầu nhau” - theo GS Mearsheimer.

Không đồng ý với Giáo sư Mearsheimer, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh nói rằng Trung Quốc không theo đuổi vị thế thống trị toàn cầu.

“Trung Quốc nhận thấy trật tự thế giới dưới ảnh hưởng của Mỹ là một sự hỗn loạn, và đó là lý do Trung Quốc không muốn vai trò này. Tại sao Trung Quốc phải lặp lại sai lầm của Mỹ?”

Tuy nhiên, lời lẽ của Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Trung Quốc Phó Oánh không thuyết phục được GS Sergei Karaganov - Chủ nhiệm khoa Kinh tế và chính trị thế giới tại Trường Kinh tế cấp cao (Moscow, Nga).

“Nga và Trung Quốc đang thay đổi và tái cấu trúc trật tự mà Mỹ đã cố gắng áp đặt lên thế giới từ sau Chiến tranh lạnh. Nga đang rất nỗ lực, Trung Quốc cũng đang làm theo cách của mình.”

Đồng ý với GS Karaganov rằng Trung Quốc không hoàn toàn hài lòng với các vấn đề trên chính trường thế giới, GS Mearsheimer cho rằng sự phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc sẽ dẫn tới sự cạnh tranh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Mỹ đã đẩy Nga về phía Trung Quốc và cũng không có gì bảo đảm là Mỹ sẽ đủ thông minh để không khiến Nga thù địch và nghiêng về Trung Quốc hơn nữa.”

Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai tại Sochi (Nga) ngày 27-10. Ảnh: SPUTNIK

Ngoài quan hệ và ảnh hưởng của ba nước Mỹ-Nga-Trung Quốc, các chuyên gia cũng đề cập đến vai trò của Liên minh châu Âu (EU) trong xác định trật tự thế giới mới. Theo phần lớn chuyên gia, vai trò của EU chủ yếu sẽ phụ thuộc vào các quyết định của các chính trị gia Nga, Mỹ, và Trung Quốc.

Chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đồng ý châu Âu đã và đang đánh mất ảnh hưởng chính trị của mình trên trường thế giới về tay Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/ngamytrung-se-quyet-dinh-tuong-lai-the-gioi-661428.html