Ngả mũ trước Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn biết cách biến điểm yếu của mình thành điểm mạnh, với tài năng của mình, Putin nổi lên như một người chi phối khu vực Trung Đông dù thời gian can thiệp ở đây chưa nhiều.

Putin đã làm gì?

Năm 2014, ngoài việc có một căn cứ hải quân tại Syria, sự hiện diện của Nga trong khu vực này gần như là “vô hình”. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, các máy bay chiến đấu và tên lửa của Nga đã đóng vai trò to lớn ở Syria, Iran và cả Iraq. Trong năm qua, Tổng thống Putin đã tiến hành can thiệp quân sự vào Syria và ủng hộ chế độ đang trên bờ vực sụp đổ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Với Syria, chính quyền Tổng thống Assad coi Moscow như ân nhân, đã mang phao cứu sinh đến đúng lúc sắp bị chìm.

Nhà lãnh đạo Nga đã tạo ra một liên minh bán quân sự với Iran, cho phép ông triển khai vũ khí trong vùng Vịnh – điều mà Nga đã để tuột mất từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Nếu điều này vẫn chưa đủ chứng minh sự hiện diện của Nga trong khu vực, thì một bằng chứng nữa chính là sự cải thiện rõ rệt trong mối quan hệ ngoại giao giữa ông Putin với Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ giữa Moscow và Ankara từng vô cùng căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Nga tại vùng biên giới Syria vào năm ngoái, song mối quan hệ này hiện đã được cải thiện đáng kể và được củng cố tới mức hai nhà lãnh đạo đã bắt đầu tính đến việc khôi phục toàn bộ quan hệ ngoại giao. Bên cạnh đó, suốt thời gian qua, ông Putin vẫn luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ và hiệu quả với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Tổng thống Nga Putin luôn biết cách biến điểm yếu thành điểm mạnh.

Câu hỏi đặt ra là ông Putin đã làm những gì để thay đổi bối cảnh Trung Đông hiệu quả như hiện nay và làm thế nào ông có thể thúc đẩy quan hệ với cả các quốc gia đối địch? Tại sao Nga có thể thực hiện các mục tiêu tại Trung Đông hiệu quả hơn Mỹ?

Thực tế, Tổng thống Nga Putin là người có thể nhanh chóng xác định những lợi ích mà Nga sẽ có được từ chính sách đối ngoại trong từng cuộc xung đột cụ thể và sẵn sàng dành các nguồn lực để đạt được những lợi ích này, để rồi sau đó đột ngột thay đổi thái độ khi những lợi ích cơ bản của Nga đã đạt được hoặc thay đổi.

Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, Mỹ đã gắn liền lợi ích của mình với những nước theo chế độ quân chủ Hồi giáo dòng Sunni ở vùng Vịnh như Saudi Arabia, Kuwait và Qatar. Đổi lại, các nước này phải đầu tư mạnh mẽ vào Mỹ, từ việc mua trái phiếu chính phủ, cho đến đầu tư vào bất động sản và mua hàng tỷ USD khí tài quân sự của Mỹ.

Các nước Arập cũng đã đầu tư mạnh vào Washington, để đổi lấy việc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, rót tiền cho các viện nghiên cứu chính sách và công ty PR, nhằm mục đích nhấn mạnh vì sao Mỹ cần các quốc gia để đạt được lợi ích ở Trung Đông.

Những quốc gia như vậy cho rằng Washington buộc phải ủng hộ họ cho dù cuộc xung đột mà họ dấn thân vào có ảnh hưởng tới các lợi ích của Mỹ hay không. Tuy nhiên, họ lại không có được ảnh hưởng như vậy đối với Moscow.

Và thực sự muốn gì?

Mục đích duy nhất của ông Putin là củng cố lợi ích của Moscow. Nhà lãnh đạo Nga không bị ảnh hưởng bởi gánh nặng từ những mối quan hệ liên minh không phục vụ mục tiêu chiến lược của Nga. Tổng thống Putin hậu thuẫn chính quyền Damascus, Tehran và chính quyền người Shi’ite của Iraq, không chỉ vì ông coi chủ nghĩa cực đoan dòng Sunni như một mối đe dọa lâu dài gây mất ổn định cho các quốc gia Trung Đông, mà ông còn lo ngại điều đó có thể tàn phá các nước có biên giới với Nga. Trong khi đó, mối quan hệ chặt chẽ với Iran theo dòng Hồi giáo Shi’te không ngăn cản ông Putin hợp tác với các nước Arập theo dòng Sunni để giúp ngành công nghiệp và chương trình năng lượng nguyên tử của Nga.

Với chính quyền Tổng thống Syria Assad, Nga là vị cứu tinh.

Tổng thống Putin thúc đẩy các mối quan hệ này trong khi vẫn duy trì sự gần gũi với Israel. Ông Putin thuyết phục Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng liên minh với Syria và Iran không nhằm đe dọa sự tồn vong của Israel, mà là để phục vụ cho một mục đích lớn hơn là đánh bại chủ nghĩa cực đoan dòng Sunni. Nga tiếp tục hợp tác với Israel trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp và vũ khí. Nga và Israel cũng giữ quan hệ quân sự chặt chẽ trong khi Moscow luôn thận trọng tránh cung cấp cho các kẻ thù của Israel các vũ khí tấn công tân tiến.

Mặc dù Mỹ là một cường quốc lớn và có thể có nhiều ảnh hưởng tới các chính sách của các đối tác như Saudi Arabia và Israel, song điều trớ trêu là các nước này thường tìm cách hạn chế những lựa chọn chiến lược của Washington, do lo ngại nguy cơ bị bỏ rơi hoặc vì chính những lợi ích của riêng họ.

Và, cứ theo đà này, khi quyền lực và uy tín của Putin ngày càng tăng và Moscow ngày càng linh hoạt biết cách chớp lấy các cơ hội trong quá trình tiếp cận khu vực Trung Đông thì Washington sẽ bước vào một giai đoạn đầy khó khăn.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/nga-mu-truoc-putin-713654.html