Nga không ngại tên lửa đạn đạo DF-12 của Trung Quốc

Các nhà phân tích nhận định, tên lửa đạn đạo DF-12 của Trung Quốc chưa đủ khả năng để trở thành đối thủ của Iskander trên thị trường xuất khẩu.

Hãng tin Sputnik cho biết, tuần tới Trung Quốc dự kiến sẽ chính thức công bố phiên bản xuất khẩu của tên lửa đạn đạo DF-12, còn gọi là M20 tại triển lãm Chu Hải Air Show 2016. Hình ảnh về tên lửa mới được đăng tải trên trang defence-blog vào ngày 17/10.

DF-12 có thiết kế tương tự tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander của Nga. Tên lửa của Trung Quốc được cho là có tầm bắn dao động từ 100-280 km, cũng có thể lên đến 400 km.

Đặc điểm kỹ chiến thuật của tên lửa DF-12 vẫn chưa được công bố nhưng có thể được giới thiệu tại Chu Hải Air Show 2016 vào tuần tới. Khi được hỏi về tên lửa mới của Trung Quốc cũng như khả năng cạnh tranh với Iskander của Nga trên thị trường xuất khẩu, các nhà phân tích quân sự Nga nói với tờ báo trực tuyến Svobodnaya Pressa rằng, điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Bản sao từ Tochka-U

Trong khi đó, bình luận tin đồn về sự giống nhau giữa hai tên lửa, đại tướng Viktor Esin, cựu tham mưu trưởng lực lượng tên lửa chiến lược Nga nói rằng, đó không phải là điều gì bí mật. Từ lâu, Trung Quốc đã sử dụng rộng rãi các công nghệ, thiết kế vay mượn từ nước ngoài để phát triển các loại vũ khí.

 Phiên bản xuất khẩu của tên lửa đạn đạo chiến thuật DF-12. Ảnh: Military Informant

Phiên bản xuất khẩu của tên lửa đạn đạo chiến thuật DF-12. Ảnh: Military Informant

Các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine đã hỗ trợ Trung Quốc làm điều đó, đại tướng Esin cho biết thêm: “DF-12 có liên quan đến yếu tố nước ngoài, tôi sẽ không nói đó là một bản sao chép hoàn toàn. Tôi cho rằng, tên lửa Trung Quốc giống như một phiên bản cải tiến từ hệ thống Tochka-U, chứ không phải là tương tự Iskander”, vị đại tướng nói.

Phiên bản xuất khẩu của DF-12 nhiều khả năng sẽ phù hợp với Quy chế Công nghệ Tên lửa Điều khiển (MTRC). Một thỏa thuận giữa các nước nhằm hạn chế phổ biến các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 300 km và đầu đạn nặng 500 kg.

Đại tướng Esin cho biết thêm, theo nguồn tin mà ông có được, bán kính lệch mục tiêu (CEP) của DF-12 khoảng 30 m. “Chúng ta đang nói về một tên lửa chính xác cao được đưa vào phục vụ trong quân đội Trung Quốc từ năm 2013 với tên gọi DF-12. Chúng tôi biết rằng, Trung Quốc có hệ thống định vị toàn cầu tương tự GPS của Mỹ. Nó là cần thiết để kiểm soát các tên lửa trong khi bay”, đại tướng Esin nói.

Cựu chỉ huy lực lượng tên lửa Nga nhấn mạnh, ngay cả khi không có tên lửa mới, kho tên lửa của Trung Quốc vốn đã rất lớn và đa dạng. Nó bao gồm tên lửa DF-11, tầm bắn 300-800 km, DF-15 trên 1.000 km, gần đây có thêm DF-16, tầm bắn trên 1.500 km.

Theo các nguồn tin tình báo Nga, hiện Trung Quốc có khoảng 300 DF-11, không dưới 500 DF-15 và khoảng 30-50 DF-16. Các tên lửa này đều có 2 phiên bản mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, trong đó khoảng 10-15% số tên lửa DF-11, 20-25% tên lửa DF-15 được trang bị đầu đạn hạt nhân. Phần lớn số tên lửa đạn đạo này đang được triển khai nhắm vào đảo Đài Loan.

Lấy số lượng bù chất

Nhà phân tích quân sự Alexander Khramchihin nhấn mạnh, chiến lược tổng thể của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc là tập trung phát triển số lượng lớn các loại tên lửa. “Tên lửa đạn đạo chiến thuật của Trung Quốc không thực sự hoàn hảo, nhưng họ đang tập trung vào số lượng để áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương, một số tên lửa có thể vượt qua lá chắn và rơi xuống mục tiêu”, ông Khramchihin nói

Các nhà phân tích quân sự nhận định, số lượng tên lửa đạn đạo DF-11 và DF-15 mà Trung Quốc đã triển khai có thể lên đến hàng ngàn. Khi được hỏi về vai trò của công nghệ vay mượn từ nước ngoài trong việc xây dựng nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, chuyên gia Khramchihin nhấn mạnh rằng, cơ sở của tất cả các thiết bị quân sự Trung Quốc là công nghệ của Liên Xô, công nghệ phương Tây chỉ có một số lĩnh vực nhỏ.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật DF-11 của Trung Quốc. Ảnh: Ausairpower

Andrei Frolov, trưởng bộ phận biên tập tạp chí Arms Export giải thích, Nga thường kín đáo trong việc xuất khẩu các loại tên lửa, Trung Quốc đang tích cực theo đuổi các thị trường ngoài tiềm năng, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Phi.

“Trong phân khúc tên lửa đạn đạo chiến thuật, người Mỹ có hệ thống MGM-140, Trung Quốc có DF-12. Nhưng Trung Quốc không cạnh tranh với chúng tôi trong lĩnh vực này, lý do là chúng tôi không xuất khẩu các tên lửa chiến thuật đến Syria hay các khu vực khác. Đối thủ cạnh tranh thực sự với chúng tôi là tên lửa Grom 2 của Ukraine”, nhà phân tích Frolov nói.

Đồng thời ông Frolov chỉ ra rằng, các loại pháo phản lực phóng loạt đang dần thay thế tên lửa đạn đạo chiến thuật trên thị trường xuất khẩu, vì tầm bắn của chúng gần bằng tên lửa chiến thuật. Ví dụ hệ thống Polonaise của Belarus được sản xuất với sự trợ giúp của Trung Quốc có tầm bắn bằng phiên bản xuất khẩu của Iskander.

Vassily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc cho rằng, tính năng của DF-12 vẫn còn nhiều ẩn số. Nó không hẳn là một tên lửa đạn đạo chiến thuật mà có thể module phóng đa năng có thể khởi động tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình siêu âm và rocket phóng loạt hạng nặng.

Quốc Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/nga-khong-ngai-ten-lua-dan-dao-df-12-cua-trung-quoc-774489.html